Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:58 (GMT +7)
Chuyên gia nhấn mạnh yếu tố con người khi Việt Nam phát triển Kinh tế Số
Thứ 7, 23/12/2023 | 10:42:09 [GMT +7] A A
Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho rằng các doanh nghiệp cần có chiến lược Kinh tế Số, phải đầu tư vào con người, đào tạo mới và đào tạo lại nhân sự, khuyến khích Đổi mới Sáng tạo.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh, Kinh tế Số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khi coi Kinh tế Số là động lực tăng trưởng trong những thập niên tới.
Trong Chiến lược Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng Kinh tế Số đạt 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đến năm 2030, con số này là 30% GDP.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ - chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, chống gian lận và lừa đảo trên mạng viễn thông ở Luxembourg về những động lực, rủi ro của phát triển Kinh tế Số, cũng như đánh giá về tình hình hiện nay tại Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ hiện đang phụ trách nghiên cứu sáng tạo và phát triển sản phẩm trong nhóm Cyberlabs của Tập đoàn POST Luxembourg.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho biết trong nền Kinh tế Số, sản xuất, dịch vụ, thương mại, giáo dục... đều vận hành trên nền tảng số kết nối (công nghệ thông tin và viễn thông). Có 4 yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đồng bộ gồm con người, thể chế pháp lý, hạ tầng mạng, nội dung và Tri thức Số.
Đánh giá về Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho rằng trong giai đoạn hiện nay, con người và thể chế pháp lý là hai yếu tố quan trọng nhất cần được ưu tiên. Về con người, ngoài đội ngũ vận hành, quản lý, phát triển ứng dụng và hạ tầng, cần có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, nhà nghiên cứu và hoạch định chiến lược.
Theo chuyên gia này, việc đào tạo nhân sự có chất lượng theo chuẩn quốc tế để đáp ứng được nhu cầu của Kinh tế Số là một thách thức lớn. Về thể chế pháp lý, cần có một hành lang pháp luật phù hợp theo kịp sự phát triển và tạo điều kiện cho Kinh tế Số. Yếu tố này trải rộng từ các quyết sách đồng bộ từ chính phủ đến những quy định cụ thể về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư.
Thông qua học hỏi và đánh giá khách quan, khoa học các bài học của các nước và thực thể kinh tế như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam sẽ có được những kinh nghiệm quý để định hướng cho nền Kinh tế Số.
Kinh tế Số hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ khác biệt địa lý hay nhiều đặc quyền mà trước kia chỉ có một số ít trung tâm kinh tế mới có được. Nền Kinh tế Số đòi hỏi người dân có kỹ năng sử dụng và sở hữu điện thoại thông minh, song không phải tất cả người dân đều đủ khả năng tài chính. Do đó, tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ nhấn mạnh chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng kết nối để mọi người dân đều có thể tiếp cận Kinh tế Số thông qua chính sách ưu tiên phát triển, trợ giá Internet, xóa nghèo, hay giáo dục.
Theo chuyên gia, hiện tại, Luxembourg đã và đang làm tốt việc xóa nghèo, đảm bảo thu nhập tối thiểu bằng luật và các chính sách thuế, lập các trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo lại cho những người không có căn bản về công nghệ thông tin, lập các trung tâm để đào tạo kết nối đội ngũ chuyên gia.
Bên cạnh sự thuận tiện, các hoạt động giao dịch trên không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo…
Theo tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ, nền tảng số không chỉ tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế mà cả tội phạm. Tấn công mạng và lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi và xuyên biên giới. Để ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ này, chuyên gia nhấn mạnh đến sự kết hợp của 4 yếu tố đã được đề cập là: con người, thể chế pháp lý, hạ tầng mạng, nội dung và Tri thức Số.
Đầu tiên, con người cần có nhận thức đầy đủ về các rủi ro trên không gian mạng. tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho biết mục tiêu này có thể đạt được thông qua đào tạo, tuyên truyền rộng rãi và liên tục cho người dân.
Về nhân lực, cần có một lực lượng kỹ sư, chuyên gia an ninh mạng có khả năng triển khai, vận hàng an toàn hệ thống. Thứ hai là cần có các quy định cụ thể, phân định rõ ràng mức độ quan trọng của thông tin, để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư.
Thứ ba là hạ tầng mạng cần được đầu tư và phát triển để đảm bảo an toàn trước các rủi ro tấn công mạng. Cuối cùng, nội dung và tri thức số là tài sản tối quan trọng của các cá nhân, doanh nghiệp và cần được ưu tiên bảo vệ từ những bước đầu tiên của Chuyển đổi Số.
Đối với các doanh nghiệp, nền Kinh tế Số mang lại nhiều cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất.
Theo tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận rằng Kinh tế Số không những là công cụ để tăng hiệu quả sản xuất, mà còn tạo ra những cơ hội mới, mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới.
Đề cập đến vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho rằng các doanh nghiệp cần có chiến lược Kinh tế Số, và tự định hướng một vị trí trong nền Kinh tế Số. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào con người, đào tạo mới và đào tạo lại nhân sự, khuyến khích Đổi mới Sáng tạo. Riêng về an ninh bảo mật, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống thông tin, đầu tư hiệu quả và một cách có hệ thống (thiết bị, vận hành, con người) cho an ninh và bảo mật dữ liệu.
Chuyên gia nhấn mạnh việc nhận thức đầy đủ về rủi ro an ninh mạng rất quan trọng, nhất là từ lớp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào nền Kinh tế Số./.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()