Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:34 (GMT +7)
Chuyện những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Thứ 7, 15/10/2022 | 07:25:55 [GMT +7] A A
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Từ phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cá nhân tiêu biểu, truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh của mình.
Ở TX Đông Triều, rươi sông Cầm được người dân địa phương gọi là “lộc trời”, bởi nó mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân có cơ hội vươn lên, làm giàu chính đáng. Gia đình bà Nguyễn Thị Chúc ở khu Xuân Cầm (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) là một trong những hộ nông dân giàu lên nhờ “lộc trời” như vậy. Xuất phát điểm chỉ có chút vốn liếng tích cóp và lòng quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, sau gần 12 năm, gia đình bà Chúc đã biến cả một vùng gần 7 hecta bãi hoang lau sậy thành khu trang trại trù phú để khai thác rươi, cáy, mang lại lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng mỗi năm.
Theo bà Chúc chia sẻ, khai thác rươi đã có truyền thống lâu đời tại địa phương. Tuy nhiên khi quyết tâm xây dựng mô hình, người nông dân phải vừa dựa vào kinh nghiệm của cha ông, vừa phải học hỏi, đổi mới trong cách làm để nâng cao hiệu quả lao động, vừa bảo vệ nguồn lợi tự nhiên bền vững. Do đó, trong quá trình triển khai, gia đình bà luôn tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là sự đồng hành của Hội Nông dân về vốn vay đầu tư ban đầu, tư vấn kỹ thuật... Qua từng năm, bà Chúc dần trở thành một chuyên gia thực thụ trên chính mảnh ruộng của mình, là một trong những hộ khai thác rươi hiệu quả nhất trong vùng.
Ngoài mặt hàng rươi tươi sống khi vào chính vụ, bà Chúc còn mạnh dạn mở nhà hàng, chế biến rươi thành 9 món ăn hấp dẫn, như rươi kho măng, lẩu rươi, chả rươi, canh rươi nấu rau cải, mắm rươi... Vậy là sản phẩm đã được đa dạng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Câu chuyện về nghị lực, sức sáng tạo của bà Chúc đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào thi đua khắp vùng nông thôn Đông Triều. Năm 2022, bà Chúc là một trong 5 đại biểu của tỉnh Quảng Ninh đi dự hội nghị Biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Tại sự kiện lớn này, bà đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” cũng là một trong những điểm sáng thi đua của các cấp Hội Nông dân TP Cẩm Phả. Qua đó, đã nhân lên rất nhiều những điển hình tiên tiến trong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, vượt khó bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tiêu biểu như ông Đào Ngọc Sâng ở thôn Tân Hải, xã Dương Huy với mô hình trồng cây ăn quả có múi rất hiệu quả. Khu vườn đồi rộng gần 3 hecta của gia đình ông đã trở thành hình mẫu để các hộ dân trong vùng cùng tham khảo, học hỏi và làm theo để vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.
Được biết, ông Sâng là hộ nông dân đầu tiên của Dương Huy phát triển mô hình trồng cam Vinh vào năm 1999. Nhờ tinh thần say mê lao động, chăm chỉ học hỏi, ông Sâng vận dụng rất hiệu quả những cách làm mới về quy hoạch vườn - chuồng, kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây, kích rễ sinh trưởng... Đến nay, sau hơn 22 năm phát triển, khu vườn ngoài cây cam còn có các cây bưởi, hồng, nhãn... đều sinh trưởng rất tốt. Đàn lợn và ngan cũng được ông nuôi rất mát tay, vừa có thêm nguồn thực phẩm sạch, vừa tận dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Những kinh nghiệm của mình, ông Sâng sẵn sàng chia sẻ cho bà con trong vùng để cùng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Những điển hình hội viên nông dân tiêu biểu như bà Chúc, ông Sâng ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các địa phương trong tỉnh. Mỗi năm, Quảng Ninh có khoảng 60.000 hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp. Riêng năm 2022, các cấp hội phấn đấu có trên 48.000 hội viên nông dân đạt danh hiệu này. Ở họ đều có điểm chung là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới tư duy, chủ động nắm bắt cơ hội, siêng năng, lăn lộn để tạo nên những thành tích ấn tượng. Sự đồng hành, hỗ trợ sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội nông dân các cấp là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn.
Thời gian qua, dưới sự trợ lực và đồng hành của tổ chức HND, các hội viên, nông dân Quảng Ninh đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ làm giàu cho chính bản thân, mà còn góp sức làm thay đổi diện mạo quê hương. Tính đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đang quản lý trên 71,2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 1.034 hộ vay vốn phát triển sản xuất. HND tỉnh cũng phối hợp với các ngân hàng: Chính sách xã hội, NN&PTNT, Liên Việt... triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo nguồn lực cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, đã có gần 27.900 hộ nông dân được vay vốn từ các ngân hàng với tổng dư nợ đã đạt trên 1.840 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ về vốn vay, HND tỉnh và các cấp hội cũng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; tăng cường mối liên kết “6 nhà” để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn nông dân chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()