Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:37 (GMT +7)
Chuyện từ di vật chùa Quỳnh Lâm
Chủ nhật, 27/06/2021 | 11:27:43 [GMT +7] A A
Quỳnh Lâm là ngôi cổ tự có lịch sử cả nghìn năm trên mảnh đất cửa ngõ phía Tây Đông Triều. Với vô số biến động thăng trầm theo dòng lịch sử, chùa đã bị phá huỷ rồi phục hồi nhiều lần nhưng còn hiện hữu với thời gian là những di vật cổ bên ngôi chùa mới khang trang hôm nay như nhắc nhớ một thuở vàng son năm nào.
Bia cổ nghìn năm
Chúng tôi trở lại chùa vào một ngày cuối tháng 5 đầy nắng, đi trên con đường bê tông thênh thang dẫn lối vào cổng chùa. Giờ đang là mùa hạ, những hồ nước nơi đây sen bát ngát nở rộ, màu trắng, hồng của hoa xen lẫn giữa màu xanh thẫm của những phiến lá sen khiến ai nấy thấy dịu mát, thanh khiết hẳn.
Dừng chân bên lối đi, ta sẽ bắt gặp ngay tấm bia lớn “Trùng tu, tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự” cao tới 2,46m, ngự chếch ngay trước gác chuông cũng là tam quan chùa. Những gì viết trên bia mạch lạc, rõ ràng, giống như một lời giới thiệu đủ đầy, cũng chính là chứng tích tồn tại ngàn năm của Quỳnh Lâm. Rằng là chùa xưa được xây dựng trên một khu đất có thế đắc địa theo thuyết phong thủy với tả có thanh long, hữu có bạch hổ (bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng), trước mặt nhìn ra đường lớn xe cộ thông thương. Phía Bắc chùa từng là một bến sông to, thuyền bè tụ tập, phía Tây có dòng sông Tô uốn lượn...
Tấm bia này cũng hé lộ về người khởi dựng Quỳnh Lâm tự xưa. Theo tương truyền thì Nguyễn Minh Không là người khởi dựng chùa, tuy nhiên bia lại cho rằng người xây dựng chùa dưới thời Lý là Dương Không Lộ. Theo các nghiên cứu lịch sử thì cả hai vị thiền sư này đều là những bậc tăng sĩ “đạo cao đức trọng”. Tượng Phật Di lặc thời Lý - một trong An Nam tứ đại khí lúc bấy giờ, cũng theo ghi chép của văn bia kể trên “cao 6 trượng 60 thước, ...dựng Thượng điện 5 tầng cao 70 thước, rộng 50 thước”. Với thước đo thời Lý 1 trượng là 3m, 1 thước là 30cm thì tượng Di Lặc của Quỳnh Lâm khi ấy cao gần 20m, toà thượng điện 5 tầng, cao 21m, rộng 15m đã được dựng lên để bao che, bảo vệ cho tượng…
Không chỉ là những mô tả ngắn gọn trên bia, bản thân tấm bia lớn này cũng cho thấy lịch sử khởi dựng di vật vào thời Lý và dưới thời Lê Trung hưng, khi trùng tu chùa, người ta đã gọt bỏ một phần họa tiết hoa văn và toàn bộ minh văn của tấm bia này để khắc lại.
Nói về điều này, TS Nguyễn Văn Anh - nhà khảo cổ học từng chủ trì nhóm khảo cổ chùa Quỳnh Lâm, nay là giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), phân tích: Các họa tiết hoa văn hiện hữu ở trán, diềm và hông bia gồm có hai nhóm phong cách mỹ thuật là thời Lý và thời Lê Trung hưng. Hoa văn thời Lê được tạc trên nền của các họa tiết, hoa văn thời Lý trước đó đã bị gọt bỏ.
Cụ thể, lớp hoa văn thời Lý hiện còn đôi rồng ở hai mặt của trán bia; các họa tiết hình rồng thân nhỏ, uốn khúc hình túi vải, chân dài, vươn ra khỏi thân, đầu ngẩng cao trang trí dọc diềm bia; các khối hình rồng cuộn tròn trong ô hình vuông trang trí ở phần độ dày của bia. Lớp họa tiết hoa văn được khắc thêm dưới thời Lê Trung hưng gồm có mặt nguyệt nằm trong ô hình chữ nhật ở giữa trán bia. Họa tiết này được khắc đè lên vị trí vốn là nơi khắc tên bia của thời Lý. Các họa tiết hình rồng thân to, mập, trên thân có vảy, mô phỏng cấu trúc thân rồng thời Lý nhưng các nhịp uốn lượn không mềm mại như rồng thời Lý.
Di vật dưới nền móng
Sử sách chép rằng, năm 1307, Pháp Loa - tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, bắt đầu cho mở mang và xây dựng Quỳnh Lâm thành Tự - Viện, một trong những trung tâm đào tạo tăng tài lớn của dòng thiền này. TS Nguyễn Văn Anh cho hay, dấu vết vật chất thời kỳ vàng son của Tự viện Quỳnh Lâm dưới thời Trần còn lại dưới nền móng chùa khi khảo cổ. Đó là gạch ngói, đồ gốm sứ, những vật dụng hàng ngày như chân đèn, bát hương, bát, đĩa, những lá đề cân trang trí hình rồng gắn trên ngói mũi sen lợp mái chùa, lá đề lệch trang trí hình rồng và tượng rồng trang trí trên nóc chùa…cho chúng ta hình dung phần nào về quy mô to lớn và sự lộng lẫy của kiến trúc Phật giáo hoàng gia của Quỳnh Lâm dưới thời Trần.
Nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh chỉ là một trong những người đã đi tìm lại dấu vết xưa của chùa qua các thời khi khảo cổ. Anh cho biết: Theo bài minh “Trùng tu, tái tạo Tiên Du sơn, đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi” khắc lại năm 1629 thì vào năm 1627, Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho trùng tu chùa, sau gần 2 năm thì hoàn thành các công trình với tổng cộng 103 gian. Trong đó, dấu vết cổng tam quan, nhà Phật điện và thiêu hương xây dựng vào thời này đã được phát hiện trong các đợt khai quật năm 2007-2009. Ngoài ra, các phát hiện còn cho thấy từ tam quan có một con đường rộng 2,2m dẫn thẳng đến tiền đường, mặt đường được lát bằng gạch hoa chanh, hai bên kè bằng gạch vồ, giống như trục thần đạo từ cửa Nam của cấm thành dẫn vào điện Kính Thiên nơi nhà vua thiết triều ở Thăng Long.
Các công trình kiến trúc của Quỳnh Lâm có quy mô lớn như vậy, mặc dù bị phá huỷ nhưng di vật, nhất là các di vật bằng đá từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn còn lại đến hôm nay vẫn rất nhiều. Dọc hai bên khuôn viên chùa hiện nay xếp hàng trăm di vật đá các loại, nhiều nhất là các chân tảng, đá kê cột, bậc thềm rồi cấu kiện tháp của chùa xưa. Chân tảng lớn nhất có đường kính tới hơn 1m, trang trí cánh hoa sen viền xung quanh. Các bậc thềm đá xanh dài cả mét, dày tới 30-40cm rất nhiều.
Nơi đây còn có 2 cối quay bằng đá, là dấu vết của tòa cửu phẩm liên hoa (toà tháp xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện các kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni) được thiền sư Chân Nguyên dựng ở Quỳnh Lâm năm 1684. Lòng cối sâu, tròn và bị mòn đều là dấu hiệu cho thấy tòa cửu phẩm có thể quay tròn giống như các cửu phẩm thế kỷ 17, 18 hiện còn. Rồi còn 2 thành bậc trang trí hình rồng lớn là di vật cho việc tôn tạo chùa dang dở của chúa Trịnh Giang từ năm 1730 – 1740, được sử dụng ngay trên lối đi dẫn lên toà Thích Ca Phật điện hiện nay...
Những ngôi tháp cổ
Các ngôi tháp cổ tại chùa Quỳnh Lâm hiện giờ cũng là di vật kể những câu chuyện sống động về lịch sử của chùa. Ghi chép trên văn bia tháp Tịnh Minh trong vườn chùa cho thấy, từ năm 1800-1822, các khóa hạ vẫn được tổ chức đều đặn tại Quỳnh Lâm. Năm 1820, khi Quỳnh Lâm đúc đại hồng chuông, tổng cộng có 80 chùa tham gia công đức. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, khu vực Đông Triều có nhiều biến động xã hội, từ khởi nghĩa nông dân, lũ lụt dẫn đến dân cư một số làng phải phiêu tán song những ghi chép trên cho thấy ngay cả khi ấy, sức ảnh hưởng của chùa Quỳnh Lâm vẫn hết sức lớn.
Vườn tháp nơi đây có 2 ngôi tháp đặc biệt, là tháp chứa xá lỵ của đệ nhất tổ Trúc Lâm và tháp của thiền sư Chân Nguyên - người có công khôi phục lại Quỳnh Lâm vào thời Lê Trung hưng thế kỷ 17. Quan sát tháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông - đệ nhất tổ Trúc Lâm, ngay phía trước chùa cho thấy, tháp có một số cấu kiện đá của thời Lê Trung Hưng, lại còn giữ được 2 cấu kiện tháp từ thời Trần. Tháp từ thời Trần do đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng sau khi đệ nhất tổ viên tịch, còn thiền sư Chân Nguyên là người trùng tu lại ngôi tháp này vào thời Lê. Tháp tiếp tục được xây dựng lại dưới thời Nguyễn và làm thêm phần bệ, khám tháp, đỉnh tháp khi trùng tu vào cuối năm 2020 vừa qua.
Còn Tuệ Đăng tháp (pháp danh của thiền sư Chân Nguyên) do các đệ tử của ông xây dựng sau khi ông mất, là tháp lớn nhất hiện còn tại khu vườn tháp chùa Quỳnh. Tháp được xếp bằng các khối đá xanh cao 5 tầng, tầng 1 là khám thờ, đỉnh khám có khắc hình bát quái lớn, mặt trước tháp có đề 3 chữ Hán lớn “Tuệ Đăng tháp”. Trên thân tháp còn lại bài minh viết về cuộc đời tu hành của Chân Nguyên thiền sư.
Tháp chuông chùa Quỳnh Lâm xưa kia nức tiếng, đi vào cả câu ca "tháp cao chín đợt màu mây ám…"Giờ tháp chuông chùa có quy mô nhỏ hơn, nhưng chiếc chuông lớn được đúc từ năm 1820 khi nhà Nguyễn trùng tu và tôn tạo lại chùa thì vẫn được treo tại đây. Kể cũng là điều hiếm có bởi theo ghi chép vào các thời sau, chùa thêm mấy lần bị cháy, sửa chữa, thu hẹp về quy mô nhưng chiếc chuông này vẫn còn hiện hữu đến ngày nay…
Rời Quỳnh Lâm tự, chúng tôi thấy lòng ấm lại khi giờ đây chùa đã lại một lần nữa được phục hồi. Thêm nữa, các di vật xưa vẫn còn được gìn giữ, trưng bày hài hoà với công trình mới, góp phần bổ sung thêm vào góc nhìn tổng thể của du khách về lịch sử ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng vùng đất xứ Đông xưa còn lại đến hôm nay.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()