Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:22 (GMT +7)
Cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng
Thứ 7, 11/04/2020 | 16:24:50 [GMT +7] A A
Trước những tác động từ dịch bệnh Covid-19, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp trọng tâm đó là thực hiện cơ cấu nền kinh tế theo hướng phù hợp hơn với tình hình, diễn biến trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại Công ty Viglacera Hạ Long) |
Thống kê của Sở KH&ĐT, đến hết quý I/2020, trong 6 chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh chỉ hoàn thành 2 chỉ tiêu là: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Còn lại, 4 chỉ tiêu không hoàn thành, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2% (thấp hơn 1% so với kịch bản); tổng thu NSNN trên địa bàn thấp hơn 211 tỷ đồng; khách du lịch giảm trên 1 triệu khách, doanh thu du lịch giảm 1.828 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 80,5 triệu USD.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 tỉnh Quảng Ninh xây dựng từ cuối tháng 12/2019 xác định các chỉ tiêu tăng trưởng đều ở mức rất cao. Trong đó, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên tới trên 12% - cao nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trên đà tăng trưởng mà tỉnh đang có cùng với những giải pháp mới, hiệu quả trong phát triển KT-XH đã, đang triển khai của địa phương, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, thậm chí, một số ngành, lĩnh vực như du lịch gần như tê liệt. Khả năng tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng rất khó có thể thực hiện được. |
Phát triển công nghiệp hiện đang được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Than, để đơn vị tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án Nhà máy tuyển than Khe Chàm, Mỏ than Mông Dương, Bãi thải Bàng Nâu; tổ chức làm việc với Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép một số mỏ than đủ điều kiện khai thác vượt công suất theo quy định; nhập khẩu than và thực hiện nghiền sàng phối trộn than tại các bến, cảng trên địa bàn tỉnh; bố trí tàu biển có trọng tải trên 70.000 DWT vào làm hàng tại vùng neo chuyển tải Hòn Nét cảng Cẩm Phả để giảm chi phí vận tải, giảm thời gian bốc xếp;..,
Trong cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của Quảng Ninh. Thời gian này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục bám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và mở rộng của các dự án sản xuất động lực, sớm đưa vào hoạt động một số nhà máy công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó phải kế đến các dự án như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa và bao bì tại KCN Hải Yên, Nhà máy sản xuất gạch không nung, khuôn viên cây xanh và hồ điều hòa KCN Cái Lân, Nhà máy sản xuất linh kiện loa và tai nghe của Công ty Tonly Electronics Technology Limited (Hong Kong) thuộc tập đoàn TCL;...
Ngành Than đặt mục tiêu tăng trưởng cao năm 2020. Trong ảnh: Trung tâm điều hành sản xuất tập trung giúp Công ty CP Than Núi Béo. Ảnh: Phạm Tăng |
Đối với khu vực dịch vụ, trong điều kiện dịch bệnh được kiềm chế và đẩy lùi, sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch đến các thị trường trong và ngoài nước từ tháng 5 đến tháng 9. Tập trung khai thác khách nội địa là ưu tiên số một để thúc đẩy tăng trưởng ngành Du lịch trong quý III và quý IV năm nay.
Đối với khách du lịch nước ngoài, cùng với lượng khách truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, sẽ mở rộng đến nhiều thị trường khác. Như vậy, khách du lịch quốc tế có thể sẽ tăng trở lại vào quý IV. Dự kiến tổng lượng khách năm 2020 đạt 4,96 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 1,78 triệu lượt.
Cùng với đó, để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh bám sát Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để phục vụ hoạt động sản xuất; kịp thời phổ biến, triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sau khi được Quốc hội phê chuẩn nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020, bù đắp cho sự khó khăn, sụt giảm trong những tháng đầu năm.
Dự án đường nối QL18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Dự án suối nước nóng Quang Hanh dự kiến có thể đưa khai thác trong tháng 4/2020. Ảnh: Đỗ Phương |
Khu vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh cũng sẽ cơ cấu mạnh mẽ thời gian này theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư công nghệ cao. Theo đó, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, như: Dự án nuôi tôm thương phẩm, siêu thâm canh trong nhà kính tại Đầm Hà (Công ty CP thủy sản Việt Úc); Dự án sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao tại Cẩm Phả (Công ty thủy sản N.G Việt Nam); Dự án Cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long (Công ty CP Tư vấn đầu tư Việt Dũng; quy mô dự kiến 5.000 lợn nái và 20.000 lợn thịt); hoàn thiện các thủ tục thu hút Tập đoàn TH True Milk trong việc triển khai dự án nuôi bò sữa tại huyện Đầm Hà;...
Thời điểm này, ngành Nông nghiệp địa phương đang tích cực rà soát các sản phẩm nông sản, thủy sản của Quảng Ninh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc; phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tìm kiếm các thị trường tiềm năng để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục làm việc với các cục chuyên ngành của Bộ NN&PTNT có ý kiến với cơ quan hữu quan Trung Quốc bổ sung danh mục hàng một số mặt hàng nông sản Quảng Ninh được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ tái đàn lợn, trong đó tập trung khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ giống cho các doanh nghiệp, cá nhân theo chính sách sản xuất tập trung, liên kết sản xuất.
Hồng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()