Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:33 (GMT +7)
Phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025: Để đảm bảo tăng trưởng cao, bền vững
Chủ nhật, 06/12/2020 | 15:18:26 [GMT +7] A A
Trong thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, năm 2020, năm cuối của giai đoạn, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu Covid-19, nhưng tỉnh vẫn đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển, đóng góp quan trọng vào kết quả 5 năm qua. Đây là động lực, nền móng vững chắc để tỉnh bước vào thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn.
Thi công tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái (Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái). Ảnh: Đỗ Phương |
Vượt khó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020) trong điều kiện có nhiều cơ hội thuận lợi cơ bản. Trong đó, phải kể đến việc đã kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được sau 35 năm đổi mới, nhất là giai đoạn 2011-2015; được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… Tuy vậy, tỉnh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Sự thay đổi về cơ chế, chính sách của các quốc gia liên quan ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, XNK; tình hình Biển Đông diễn biến khó lường; thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi; nửa đầu nhiệm kỳ, ngành Than gặp nhiều khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Trong tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới; tranh thủ những thời cơ, điều kiện, cơ hội mở ra để tập trung, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Đây là chìa khóa quan trọng để tỉnh đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực trong phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020), tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%, đây là mức tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh cả năm 2020 nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững so với năm 2015. Theo đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Tổng thu NSNN 5 năm ước đạt hơn 212.347 tỷ đồng, tăng 333% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó: Thu nội địa ước đạt 154.936 tỷ đồng, tăng 98,56%, chiếm 72,96% tổng thu NSNN (giai đoạn 2011- 2015 chiếm 48,7%), bình quân tăng 13,1%/năm; thu XNK đạt 57.411 tỷ đồng, vượt 43,89% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực; thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương.
Có thể nhận thấy, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh gắn bó chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Qua đó, góp phần nhanh chóng làm thay đổi diện mạo thành thị và nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miễn núi, biên giới, biển đảo. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 341.644 tỷ đồng, tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 10,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%.
Tiếp tục đột phá để khơi thông nguồn lực
Tháng 9/2020, Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã thông qua phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, thống nhất mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Bãi tắm Hòn Gai và đường kết nối đã cơ bản hoàn thiện, có thể khai thác vào năm 2021. Ảnh: Đỗ Phương |
Về các chỉ tiêu kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD; cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng 49-50%; dịch vụ 46-47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3-5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%. Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Cùng với đó là 5 nhóm chỉ tiêu về xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về môi trường, như: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%; tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ôn định 55% và nâng cao chất lượng rừng…
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết câu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kêt vùng. Tiếp tục thực hiện quan điểm “lấy phát triển hạ tầng làm nền tảng”; kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triền “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hằng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, tâm là TP Hạ Long sẽ phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều (trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025) hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình thành phố thông minh với các khu đô thị công nghiệp dịch vụ cảng biển thông minh, hiện đại. Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, phát triển chuôi đô thị sinh thái dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái là “hai mũi đột phá”.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()