Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:03 (GMT +7)
Tăng tốc trong thu ngân sách
Thứ 4, 09/12/2020 | 04:37:59 [GMT +7] A A
Năm 2020 được đánh giá là một năm rất khó khăn trong hoạt động thu NSNN do những yếu tố bất ngờ, chưa lường trước đến từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tổng thu NSNN của Quảng Ninh năm nay dự kiến đạt 49.300 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu dự toán giao đầu năm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh khởi sắc trong những tháng cuối năm. (Trong ảnh: Công ty Đóng tàu Hạ Long hạ thủy tàu du lịch theo đơn đặt hàng) Ảnh: Minh Đức |
Rất nhiều yếu tố làm giảm số thu NSNN của tỉnh năm 2020 không có trong dự liệu kịch bản thu NSNN. Trong đó phải kể đến như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh suy giảm mạnh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng đơn vị giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với năm 2019. Hoạt động từ dịch vụ, du lịch, XNK trong những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, thậm chí có giai đoạn "đóng băng". Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Trung ương như: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng); điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước... cũng đã có những tác động làm giảm số thu nội địa.
Mặc dù vậy, có thể nói, trong điều hành hoạt động thu NSNN của tỉnh khá linh hoạt, chủ động, kịp thời, theo sát diễn biến tình hình. Theo chỉ đạo của tỉnh, các cấp đã xây dựng kịch bản thu ngân sách theo từng quý, đảm bảo bám sát thực tiễn, kịp thời điều chỉnh các giải pháp, nhiệm vụ, tiến độ thu ngân sách. Đáng chú ý, các ngành, chức năng đã tăng cường rà soát tình hình thuê đất, mặt nước của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong toàn tỉnh; thành lập tổ công tác rà soát phí, thuế tài nguyên và môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tăng thu ngân sách; truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với các dự án có sử dụng đất, đá làm vật liệu san lấp; rà soát các nguồn thu từ xuất nhập khẩu, trong đó tập trung thu hút lượng hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh, nhất là các nguồn thu từ nhập khẩu máy móc thiết bị, than và xăng dầu.
Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long). Ảnh: Mạnh Trường |
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cao Ngọc Tuấn cho biết: Cùng với việc kịp thời triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành thuế Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ thuế. Cơ quan thuế đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế. Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 kế hoạch về tăng cường quản lý nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị trong toàn ngành đề xuất các giải pháp tăng thu NSNN.
Còn đối với Cục Hải quan tỉnh, để hoàn thành nhiệm vụ thu XNK, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành thu ngân sách, xây dựng và chủ động thay đổi kịch bản thu NSNN năm 2020 bám sát diễn biến thực tế; phân giao chỉ tiêu thu cho 6 chi cục hải quan; triển khai các giải pháp chống thất thu thuế; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cùng với ngành Thuế, Hải quan, tại các địa phương, hoạt động thu ngân sách cũng được rốt ráo thực hiện với những giải pháp mạnh, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số thu NSNN của tỉnh đã vượt khó để tăng tốc trong giai đoạn cuối năm. Tính đến hết tháng 11/2020, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 43.980 tỷ đồng, bằng 92% so với dự toán năm 2020, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2019, ước thực hiện cả năm đạt 49.300 tỷ đồng, bằng 103% dự toán, tăng 7% cùng kỳ. Trong đó, thu XNK 11 tháng đạt 11.481 tỷ đồng, bằng 104% dự toán, bằng 108% cùng kỳ, ước thực hiện cả năm đạt 12.300 tỷ đồng, bằng 112% dự toán, tăng 8% cùng kỳ; về thu nội địa thực hiện 11 tháng đạt 32.498 tỷ đồng, bằng 88% dự toán, bằng 103% cùng kỳ, ước thực hiện cả năm đạt 37.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 7% cùng kỳ. Trong cơ cấu thu nội địa năm nay, có sự điều chỉnh hợp lý, tăng thu từ tiền sử dụng đất để bù cho khoản hụt thu từ thuế, phí (khoảng 1.885 tỷ đồng), qua đó, đảm bảo chỉ tiêu dự toán giao.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu thu NSNN năm 2020, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện các cấp, ngành, địa phương đang tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong ngành than; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện than trên địa bàn tăng công suất phát điện lên lưới điện quốc gia trong quý IV; thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là tạo điều kiện để sản xuất bột mì, dầu thực vật, dệt may, điện tử, cơ khí, tăng tối đa công suất và năng lực sản xuất. Cùng với đó, tổ chức quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với những vi phạm trong hoạt động khai thác vận chuyển chế biến và kinh doanh than cát, đá, sỏi trên địa bàn; xử lý dứt điểm các khoản tồn đọng nợ thuế, các khoản sai phạm trong quản lý ngân sách; tiếp tục rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu tiền sử dụng đất, thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường...
Vân Du
Liên kết website
Ý kiến ()