Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:45 (GMT +7)
Cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật
Thứ 7, 19/11/2022 | 06:05:05 [GMT +7] A A
Trẻ khiếm khuyết luôn có suy nghĩ mặc cảm, tự ti và đặc biệt là việc tiếp thu bài giảng khó khăn hơn người khác, do đó, những giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật không chỉ cần có chuyên môn giỏi, mà còn cần có tình thương, sự đồng cảm đối với học sinh. Khó khăn là thế, nhưng cô giáo Phạm Thị Thảo, ngoài công việc chuyên môn của mình đã tình nguyện đảm nhận giảng dạy cho những trẻ em không may bị khuyết tật ở Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên).
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều trẻ khuyết tật ở phường Đông Mai (TX Quảng Yên) luôn nhớ đến cô giáo Phạm Thị Thảo (Trường Tiểu học Đông Mai).
Cô Thảo là giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Năm học nào cô Thảo cũng đón học sinh vào lớp của mình với tinh thần chăm lo, săn sóc; học sinh nào chậm về nhận thức và vận động đều được cô quan tâm đặc biệt. Nhiều học sinh khuyết tật đã thật sự thay đổi sau 1 năm học đầu tiên. Thương và chăm lo cho những học sinh kém phần may mắn, cô Thảo đã tình nguyện đảm nhận lớp học dành cho trẻ khuyết tật, tự kỷ của nhà trường.
Lớp học này được sắp xếp ở phòng học riêng, tăng cường một số tiết học riêng biệt cho trẻ khuyết tật về trí tuệ, trẻ tự kỷ và điều hòa cảm xúc cho trẻ bị tăng động trong quá trình theo học ở các lớp. Sau 9 năm vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa dành tâm huyết cho lớp học đặc biệt, cô Thảo đã trở thành người mẹ thứ 2 của rất nhiều trẻ khuyết tật Trường Tiểu học Đông Mai.
Không chỉ dạy trẻ trên lớp, cô Thảo còn giúp phụ huynh làm dụng cụ, đồ dùng, tranh ảnh để các con có thể học và chơi cùng cha mẹ ở nhà. Lớp học của cô đôi khi còn có cả phụ huynh tham gia để chia sẻ, hỗ trợ các con. Chị Cao Thị Hưng, phụ huynh của em Nguyễn Thành Đ (lớp 2A, Trường Tiểu học Đông Mai), một học sinh chậm nói và bị hội chứng tăng động, chia sẻ: Trước khi cho con vào lớp 1 tôi chỉ thấy con sắp xếp từ ngữ không được ổn lắm, nhưng được vài tuần sau khi vào học lớp cô Thảo chủ nhiệm, cô đã đến tận nhà trao đổi với gia đình cho con đi khám, vì cô nhận thấy con có dấu hiệu đặc biệt hơn so với các bạn. Gia đình tôi đã cho con đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi, được các bác sĩ cho biết con bị chậm về ngôn ngữ và mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Sau đó gia đình được cô Thảo động viên và hướng dẫn cách dạy con, chơi với con, đến nay cháu đã tiến bộ rất nhiều, nói lưu loát hơn, tính toán khá nhanh và thành thạo.
"Những ngày đầu, giúp học sinh khuyết tật làm quen nền nếp, với tôi là công việc vô cùng chật vật, khó khăn, bởi các em đều chưa biết tự vệ sinh cá nhân, tiếp thu rất chậm. Nhưng tôi nhẫn nại chăm sóc, rèn giũa các con, vừa kiên trì giải thích với các bậc phụ huynh để tìm sự đồng cảm và sẻ chia, ngoài ra tôi còn hướng dẫn phụ huynh một số kỹ năng giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng nơi sinh sống. Nhìn thấy các con tiến bộ từng ngày, dù rất chậm nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và luôn nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa" - Cô Thảo tâm sự.
Với những đóng góp của mình, cô Phạm Thị Thảo là một trong 8 giáo viên dạy hoà nhập tại các trường phổ thông trong cả nước được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018" do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Hà Nội, nhằm tôn vinh các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()