Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:04 (GMT +7)
Cơ hội mới cho cảng biển Quảng Ninh
Thứ 4, 05/10/2022 | 07:52:23 [GMT +7] A A
Sau nhiều năm vắng bóng mặt hàng container, tháng 9 vừa qua, 2 hãng tàu vận tải container quốc tế lâu đời và lớn nhất trên thế giới là MAERSK và SITC đã cập cảng container quốc tế Cái Lân (CICT Cái Lân). Đây là tín hiệu tích cực sau đại dịch Covid-19, hoạt động cung ứng quốc tế được nối lại và Quảng Ninh đang là lựa chọn phù hợp khi hạ tầng được kết nối thuận lợi.
Theo đại diện hãng tàu MAERSK tại Việt Nam, trong hệ thống cảng khu vực miền Bắc, CICT Cái Lân là cảng nước sâu, một trong những cảng có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, điều kiện tốt nhất hiện nay. Cảng được kết nối đồng bộ đến các khu vực bằng đường cao tốc mới, sở hữu nhiều KCN với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị tăng cao… Đây là những điểm cộng tuyệt vời để hãng tàu lựa chọn, triển khai làm hàng container.
Hiện theo lịch cố định, hãng tàu MAERSK sẽ thực hiện vận chuyển 1 chuyến/tuần trong lịch trình kết nối Trung Quốc - Việt Nam, bắt đầu xuất phát từ Hong Kong theo hành trình Hong Kong - CICT Cái Lân (Quảng Ninh) - Tân Vũ (Hải Phòng) - Yantian - Nighbo - Shanghai - Hong Kong. Tương tự hãng tàu SITC sẽ di chuyển hành trình Cát Lái (Hồ Chí Minh) - Jakarta (Indonesia) - Bintulu (Malaysia) - Xiamen (Trung Quốc) - Incheon (Hàn Quốc) và các cảng Tianjin, Qingdao, Shanghai (Trung Quốc) rồi sẽ đến CICT Cái Lân (Quảng Ninh). Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là mặt hàng khô, thiết bị máy móc, công nghệ xuất nhập khẩu và nguyên liệu cho các nhà máy, các KCN... Đến nay, cả 2 hãng tàu MAERSK và SITC đã thực hiện vận chuyển 12 chuyến hàng với tổng số hơn 7.000 Teu.
CICT Cái Lân hiện đang quản lý, khai thác các bến số 2, 3 và 4 của Cảng Cái Lân. Cảng nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, mực nước sâu trước bến -13m, được trang bị hiện đại với 4 cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; xe khung nâng, xe chở container trong bãi, hệ thống cẩu làm hàng rời và các dịch vụ logistics đồng bộ. Năm 2021, theo bảng đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit thực hiện, CICT Cái Lân là 1 trong 3 cảng của Việt Nam nằm trong top 50. CICT xếp hạng cao hơn các cảng Hải Phòng và Cái Mép của Việt Nam.
Để chủ động đón bắt cơ hội mới, khai thác mặt hàng container, CICT Cái Lân đã tăng cường quảng bá thương hiệu, chuẩn hóa quy trình khai thác hàng rời, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm Cổng thông tin điện tử CICT Portal kết nối với hệ thống một cửa quốc gia để triển khai các bộ thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành để thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền cập hoặc rời cảng…
Theo đó, các tàu làm thủ tục cập hoặc rời cảng, thay vì mang giấy tờ đi từng bộ phận chức năng, nay chỉ phải triển khai tại bộ phận một cửa. Các thủ tục, giấy tờ được khai báo qua mạng ngay trong quá trình đến cảng. Căn cứ thông tin đăng ký do CICT Cái Lân cung cấp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng phần mềm để rà soát, đối chiếu, xử lý thông tin về hồ sơ, giấy tờ của tàu thuyền, thuyền viên trên hệ thống dữ liệu quốc tế. Công nghệ này còn cho phép chủ tàu, doanh nghiệp có thể kiểm tra ngay lượng hàng hóa bốc xếp còn bao nhiêu, giúp sớm giải phóng hàng hóa. Điều này đã được các chủ hàng, hãng tàu quốc tế đánh giá cao, tin tưởng, lựa chọn CICT Cái Lân để làm hàng.
Việc 2 hãng tàu vận tải container quốc tế lớn chọn Quảng Ninh trong hành trình điểm đến là cơ hội mới để Quảng Ninh - địa phương đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa khu vực phía Bắc phát huy được thế mạnh lớn về khai thác cảng biển, kinh tế biển. Quảng Ninh đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 bằng những giải pháp cụ thể và hiệu quả, từ đó đang tạo niềm tin an toàn, thuận lợi cho các chủ hàng và hãng tàu…
Để cảng biển trở thành ngành kinh tế chủ đạo, phát triển đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn hiện nay, rất cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh, định hướng phát triển bền vững đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Qua đó, sẽ góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()