Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:12 (GMT +7)
Cố vấn quân đội Ukraine tiết lộ mục tiêu của Kiev trong cuộc xung đột với Nga
Thứ 6, 21/10/2022 | 10:02:26 [GMT +7] A A
Cố vấn của quân đội Ukraine cho biết Kiev sẽ từ chối đàm phán với Nga và chiến đấu để khôi phục biên giới lãnh thổ năm 1991 - thời điểm nước này tách khỏi Liên Xô, tuyên bố độc lập.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 18/10, ông Dan Rice - công dân Mỹ, cố vấn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine – cho biết Ukraine hiện không quan tâm đến việc đàm phán với Moskva.
“Theo quan điểm của tôi, Nga đang tìm cách để đưa Ukraine trở lại bàn đàm phán, cố gắng quay lại con đường năm 2014. Nhưng Ukraine sẽ không chấp nhận. Ukraine muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ, khôi phục biên giới năm 1991”, ông Rice tuyên bố.
Biên giới của Ukraine năm 1991 bao gồm 4 tỉnh trước đây của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye) và bán đảo Crimea. Năm 2014, Crimea đã bỏ phiếu sáp nhập Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea được tổ chức ngay sau khi cuộc cách mạng Maidan lật đổ Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich. Trong khi đó, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye đã bỏ phiếu rời Ukraine vào tháng trước.
Bất chấp đánh giá của cố vấn Rice về quan điểm của Moskva, Điện Kremlin nêu rõ Nga không có ý định đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố rằng ông sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng “lựa chọn của người dân Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson không thể thương lượng”.
Lời kêu gọi đàm phán gần đây nhất của Nga được đưa ra vào tuần trước, khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gợi ý rằng các mục tiêu của Moskva có thể đạt được về mặt ngoại giao và nước này vẫn bỏ ngỏ khả năng đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh một cuộc đối thoại cần phải có hai bên và đàm phán khó có thể xảy ra do “quan điểm thù địch” với Nga của những nước phương Tây, đồng minh của Ukraine.
Ông Rice cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây thúc đẩy chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine. Ông cho biết quốc gia này rất cần các hệ thống phòng không và máy bay. Vị cố vấn người Mỹ cũng bày tỏ hy vọng rằng Ba Lan sẽ cung cấp chiến đấu cơ cũ của Nga cho Ukraine để đổi lấy tiêm kích F-16 của Washington.
“Thứ Ukraine cần nhất bây giờ là các tổ hợp phòng không, bao gồm cả tên lửa và máy bay. Chúng tôi thực sự muốn tái trang bị vũ khí cho lực lượng Không quân Ukraine. Mỹ nên giúp quân đội Ukraine bổ sung nguồn lực”, ông Rice nói.
Hồi tháng 6, ông Rice đã được mời làm cố vấn đặc biệt cho Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, theo “lời mời cá nhân” của vị tướng này. Trang LinkedIn cá nhân của ông Rice cho biết vị cố vấn này làm việc với vai trò tự nguyện. Ông Rice cũng có thể sử dụng quyền tiếp cận chính thức để “nghiên cứu sự phát triển và học hỏi các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine, cũng như sự thay đổi văn hóa trong giai đoạn 2014-2022”.
Trong diễn biến liên quan, Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine Sergei Surovikin đầu tuần này thừa nhận tình hình Kherson “rất căng thẳng” và không loại trừ khả năng ông phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Ông cũng cho hay quân đội Nga biết về kế hoạch của Kiev sử dụng các phương tiện "bị cấm" để tiến hành tấn công ở khu vực Kherson. Cụ thể, Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào nhà máy thủy điện Kakhovka, nằm trên sông Dnepr cũng như tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo lớn vào Kherson.
Ngày 19/10, ông Vladimir Rogov, quan chức cấp cao của vùng Zaporozhye cho biết Ukraine đã phát động chiến dịch đổ bộ vào thành phố Energodar ở vùng Zaporozhye. Cuộc giao tranh đã diễn ra trong nhiều giờ. Tuy nhiên, quân Nga đã đẩy lùi đà tiến công của lực lượng Kiev.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()