Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:42 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Phát triển theo hướng bền vững
Thứ 5, 23/12/2021 | 08:43:04 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15% và tăng trưởng lên 30% vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần lệ thuộc vào tài nguyên khoáng sản, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng và trở thành một trong ba trụ cột chính của nền công nghiệp. Điều này, tiếp tục được thể hiện rõ nét khi tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Quan điểm của tỉnh là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.
Thông qua các định hướng đúng đắn, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhờ đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chỉ tiêu phát triển trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh vẫn được duy trì ở mức cao, cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 33,7%; quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ước đạt 28.905 tỷ đồng, tăng 7.455 tỷ đồng so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo (IIP) tăng mạnh, đạt 34,35%, gấp 3,72 lần năm 2020; giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 2.100 triệu USD, tăng trên 250 triệu USD so với năm 2020, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh…
Cùng với đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đạt số lượng lớn và được xuất khẩu nhiều. Điển hình như, sợi bông cotton đạt 310.000 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ; loa, tai nghe đạt 7,5 triệu cái, tăng 309% so với cùng kỳ; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 2,8 triệu m2 tăng 88% so với cùng kỳ; màn hình tivi đạt 803.000 cái, tăng 414 % so với cùng kỳ; thân mũ đạt 21,4 triệu cái, tăng 265% so với cùng kỳ,... Một số sản phẩm xuất khẩu nhiều như: Quần áo các loại ước đạt trên 120 triệu USD; xơ, sợi bông ước đạt trên 600 triệu USD; dăm gỗ ước đạt 200 triệu USD...
Tham gia ý kiến tại hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh năm 2021 vừa qua, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, nhấn mạnh: Chúng tôi đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh, bởi những phát triển vượt bậc về mọi mặt của tỉnh trong thời gian qua. Thời gian tới, đóng góp vào chiến lược phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi cũng như các nhà đầu tư khác mong muốn, Quảng Ninh sẽ có các chính sách phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thể xem xét có thêm các chính sách thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tới đầu tư tại tỉnh để làm phong phú thêm cho ngành công nghiệp này. Song song với đó, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa các bộ phận hỗ trợ, xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài tới tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh để tăng cường thu hút nhà đầu tư.
Bước sang năm 2022, tỉnh Quảng Ninh định hướng sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng “linh hoạt, đổi mới”, trước mắt là đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện các đề án xây dựng, phát triển KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; đề án Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đề án "Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các KCN, các dự án thứ cấp trong KCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, triển khai các dự án xây dựng hạ tầng; tăng cường thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, với trọng tâm sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa các TTHC. Đặc biệt, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, gặp mặt tháo gỡ khó khăn và tăng cường các chiến lược thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh theo định hướng lâu dài, bền vững.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()