Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:05 (GMT +7)
Cuộc sống mới ở xã Quảng Đức
Thứ 3, 12/03/2024 | 14:43:59 [GMT +7] A A
Là địa bàn miền núi biên giới, lại từng nằm trong diện đặc biệt khó khăn, xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) ngày hôm nay đã khoác lên mình diện mạo khang trang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hiện hữu trong từng gia đình, từng ngõ xóm.
Nếu như hơn chục năm về trước, xã Quảng Đức vẫn còn trăn trở với những khó khăn chồng chất do thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, giao thông trắc trở, canh tác lạc hậu, cái nghèo đeo đẳng... thì nay đã là một bức tranh hoàn toàn khác. Nhờ vận dụng có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và khơi dậy tinh thần nỗ lực trong các tầng lớp nhân dân, xã Quảng Đức đã thực sự bứt phá về nhiều mặt. Năm 2019, xã đã thoát khỏi diện 135, năm 2020 về đích NTM.
Đến nay, 8/8km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đường trục thôn xóm được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Hệ thống kênh mương, thủy lợi được cứng hóa, đảm bảo đáp ứng được tưới tiêu 100% diện tích đất lúa màu. Thu nhập bình quân của xã hiện đạt 66,8 triệu đồng/người/năm, vượt xa so với mức 4,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2011...
Một trong những cách làm được xã Quảng Đức kiên trì vận dụng xuyên suốt ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với Chương trình 135, đó là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân. Cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định, công tác tuyên truyền vận động phải đi đầu, giúp người dân hiểu rõ và coi xây dựng NTM là việc làm cho bản thân, gia đình mình trực tiếp hưởng lợi, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chủ động tham gia thực hiện.
Từng sự thay đổi nhỏ đã dần tạo thành chuyển biến lớn. Như việc mỗi hộ dân thực hiện di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, xa khu dân cư, hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, giữ gìn sạch nhà, sạch ngõ... đã giúp xã cải thiện đáng kể về chất lượng môi trường nông thôn. Hay như việc người dân tích cực tham gia các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết sản xuất... đã giúp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, các chính sách, nguồn vốn đầu tư cũng được xã nghiên cứu kỹ lưỡng, sử dụng hợp lý để mang lại hiệu quả tối ưu. Đơn cử, để thực hiện các mục tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội, xã đã tập trung nâng cấp trước về hạ tầng giao thông để khắc phục đặc thù vùng núi, địa bàn chia cắt. Nhận thấy rõ lợi thế về lâm nghiệp, xã tích cực vận dụng cơ chế ưu đãi của tỉnh, tiến hành hỗ trợ 30-50% giá trị các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo động lực để người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế có Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, xã Quảng Đức cũng vận động người dân phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Hiện nay, thương mại dịch vụ ở Quảng Đức chiếm tới 35% cơ cấu kinh tế của địa phương.
Đứng chân trên địa bàn xã, các CBCS Đồn Biên phòng Quảng Đức cũng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của vùng đất, con người nơi đây trong những năm qua. Đến nay, mỗi người dân khu vực biên giới đơn vị phụ trách đã thực sự trở thành những “cột mốc sống”, là “tai mắt” cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Cũng từ việc thường xuyên sâu sát với đồng bào, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã triển khai được nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã biên giới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tiêu biểu như: “Mô hình vườn mẫu”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...
Dù có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen trong giai đoạn phát triển tiếp theo, xã Quảng Đức vững vàng tâm thế chinh phục khó khăn, phát huy tốt tiềm năng, nội lực và tranh thủ sự quan tâm của tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ dành riêng cho vùng DTTS, miền núi, biên giới.
Trên địa bàn xã Quảng Đức có 214ha trồng màu thì hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động 2 vụ/năm cho 195ha.
Đàn trâu, bò trên địa bàn xã duy trì hơn 800 con/năm; đàn lợn hơn 1.200 con/năm.
Hiện trên địa bàn có HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông lâm Tấn Mài với 7 thành viên, doanh thu bình quân 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động từ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ các loại cây lương thực, thực phẩm, khai thác và chế biến lâm sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững gồm 19 thành viên, doanh thu bình quân 250 triệu đồng/năm...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()