Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:43 (GMT +7)
Đại biểu Ngô Thị Minh tham gia vào Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)
Thứ 3, 18/06/2013 | 16:49:20 [GMT +7] A A
Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển cuộc họp. Có 21 ĐBQH phát biểu, 15 ĐB đăng ký phát biểu. Các ý kiến tán thành cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, khắc phục có hiệu quả tình trạng lãng phí, nâng cao ý thức và THTK trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xin giới thiệu bài phát biểu của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại thảo luận. |
Tôi nhận thấy, các nội dung sửa đổi Luật THTKCLP trình Quốc hội kỳ này đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, xác định rõ hơn những hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí; hoàn thiện hơn cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số điều khoản trong Dự thảo Luật sửa đổi, tôi thấy còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi và chưa sát với thực tế. Một số lĩnh vực quan trọng với nhiều hành vi gây lãng phí tiền bạc và tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền.
Hiện các dự án BĐS, các nhà máy, bến cảng, các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các trường ngoài công lập, trường TCCN, trường cao đẳng nâng cấp thành trường đại học và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu NNL, gây lãng phí rất lớn. Nếu Chính phủ không sớm yêu cầu các bộ ngành chức năng, các cục, vụ, viện… chỉ đạo các tập thể, cá nhân phải rà soát và mô tả rõ công việc, xây dựng quy chế hoạt động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đảm nhiệm từng mắt xích công việc gắn với trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả, gây lãng phí tiền bạc, thời gian của nhà nước, của nhân dân sẽ phải chịu kỷ luật, đền bù thỏa đáng, thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong Dự thảo Luật sẽ vừa thiếu, vừa không khả thi, khó đi vào cuộc sống. Đồng thời, mỗi cá nhân trong các cơ quan nhà nước cũng khó có thể kết nối thông tin với nhau để phối hợp thực hiện nhiệm vụ và xử lý công việc… Đề nghị Chính phủ sớm xem xét vấn đề này. Đặc biệt, đề nghị Chính phủ coi trọng hơn việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm vùng miền, phù hợp với quy hoạch tổng thể gắn với quy hoạch NNL chất lượng cao, đảm bảo tính bền vững và khả thi của quy hoạch chi tiết trên từng địa bàn dân cư, để những người có thẩm quyền tư vấn cho các nhà đầu tư, cho khách hàng và người có thẩm quyền trong việc phê duyệt, đăng ký, cấp phép cho thành lập mới các trường học, bệnh viện, ngân hàng, các dự án BĐS… làm căn cứ vững chắc khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian qua, do chúng ta chưa coi trọng đúng mức công việc này nên đã để xảy ra hậu quả khá nặng nề, chưa kiểm soát được những đối tượng cơ hội, lợi ích nhóm, chưa quy được trách nhiệm cho người có thẩm quyền nên đã gây lãng phí tiền bạc và công sức của nhà nước, của các nhà đầu tư và của toàn xã hội.
Cụ thể: Một số điều khoản kết cấu trong Dự thảo Luật thiếu khoa học, lặp đi, lặp lại nhiều lần với nội dung giống nhau trong các quy định về xử lý vi phạm. Điển hình là điểm a, b, c khoản 2 các điều 24, 29, 39, 47, 52 và 56 quy định về các hành vi gây lãng phí đều có nội dung như nhau... Chúng ta có thể thiết kế lại 6 điều này cho khoa học và hợp lý hơn. Nếu đã giao cho Chính phủ thì dự thảo có thể nêu gọn lại với tính khái quát cao hơn và đưa nội dung các điểm a, b, c tại khoản 2 của các điều này vào gọn một điều khoản cho phù hợp.
Mặt khác, Dự thảo Luật đã bỏ qua một lĩnh vực khá quan trọng như tôi vừa nêu trên, mà lẽ ra chúng ta phải quy định hành vi gây lãng phí trong lĩnh vực này ngay từ đầu, đó là lĩnh vực tư vấn, cấp phép đăng ký cho thành lập mới các cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, ngân hàng…, cấp phép đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới, cấp phép mở mã ngành, mã nghề…, vì lợi ích nhóm, không theo quy hoạch được phê duyệt và không theo nhu cầu xã hội, gây lãng phí NSNN và tiền bạc của nhân dân. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thêm một số điều khoản quy định các hành vi gây lãng phí trong lĩnh vực này cho đầy đủ.
Đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1, điều 32 cụm từ “và cấp có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoặc hủy bỏ phải thông báo quyết định này trên thông tin đại chúng để nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án được biết”. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm và phải xử lý kỷ luật người có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư trong trường hợp này. Quy định như vậy để làm rõ trách nhiệm trước nhân dân của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ.
Tại khoản 2 Điều 43, đề nghị bổ sung vào điểm c, sau cụm từ “các quy định của pháp luật về khai thác” là cụm từ “ký quỹ môi trường, hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác”, sẽ làm rõ hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Thêm điểm d với nội dung: “Thực hiện tận thu khoáng sản và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ của hoạt động khai thác khoáng sản”, sẽ phản ánh đúng đòi hỏi của thực tiễn, làm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 65, đề nghị bổ sung làm rõ vai trò của “Ban giám sát đầu tư tại cộng đồng dân cư” chưa được Dự thảo Luật nhắc tới bên cạnh vai trò của Ban thanh tra nhân dân xã phường, thị trấn được nêu tại khoản 2 điều này. Thực tế hiện nay, hệ thống cống rãnh thoát nước; đường liên thôn, liên xã và các công trình công cộng đầu tư trên địa bàn dân cư đã giao thẩm quyền cho Ban giám sát đầu tư của tổ dân, khu phố, thôn bản giám sát, nhưng thẩm quyền này của họ chưa được nhà đầu tư tôn trọng. Tình trạng đầu tư chất lượng kém, hiệu quả sử dụng đem lại không cao, không tương xứng với NSNN hoặc tiền XHH của nhân dân chi ra đang tồn tại ở nhiều nơi chưa được khắc phục. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm.
Vì thời gian đã hết, còn khá nhiều điều khoản cụ thể mà Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã gửi về cho Ban soạn thảo từ đầu kỳ họp, nhưng chưa được tiếp thu. Rất mong được Ban soạn thảo quan tâm.
Liên kết website
Ý kiến ()