Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:27 (GMT +7)
Đại biểu Ngô Thị Minh Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Tiếp công dân
Thứ 3, 11/06/2013 | 16:04:20 [GMT +7] A A
Sáng nay 11-6, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tiếp công dân. Báo Quảng Ninh xin giới thiệu bài phát biểu của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh.
Tôi cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về tên gọi, bố cục, sự cần thiết, cùng nhiều nội dung được nêu trong Dự thảo Luật Tiếp công dân. Dự thảo đã khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản của chế độ nhà nước ta về phát huy dân chủ và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, Dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, một số điều khoản còn chung chung, chưa sát với thực tế. Dự thảo vẫn đi theo hướng quy định cách thức giải quyết mà chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể từ việc hướng dẫn người dân khi đến cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của các bên khi giải quyết riêng từng loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thủ tục tiếp nhận, nội dung trình bày trực tiếp của người dân; thủ tục trả lời sau khi có kết quả giải quyết; về quyền, nghĩa vụ của các bên đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh... nhằm khắc phục tình trạng người dân gửi đơn đến nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, rồi vin vào đó gây sức ép yêu cầu cơ quan hành pháp giải quyết, tạo dư luận phức tạp.
Dự thảo Luật cũng chưa nêu được một số nguyên tắc để xây dựng nội quy, quy chế tiếp công dân; xây dựng quy định về điều kiện, cơ sở vật chất, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân; quy định trách nhiệm phối hợp và xử lý các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; quy định sự liên thông của trụ sở tiếp công dân 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện... Mặt khác, Dự thảo chưa phân biệt và làm rõ trách nhiệm của người tiếp công dân dưới hai dạng khác nhau. Một dạng chỉ tiếp nhận, nghe phản ánh của người dân và một dạng tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Nếu không phân định rạch ròi để xử lý, giải quyết, chúng ta sẽ chưa thể khắc phục được tình trạng khiếu kiện kéo dài như hiện nay. Dự thảo cũng chưa cụ thể hóa các quy định về tiếp công dân của ĐBQH, đại biểu HĐND và các cơ quan nhà nước khác để khi Luật có hiệu lực có thể vận dụng được ngay...
Cụ thể: Đề nghị sửa khoản 2 Điều 3 như sau: “Người tiếp công dân bao gồm cán bộ công chức viên chức được cơ quan có thẩm quyền phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân”. Khoản 1 Điều 9, bổ sung vào cuối điểm e cụm từ: “xử phạt vi phạm về trách nhiệm đối với người trực tiếp tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ”. Khoản 2 điều này bổ sung nội dung: “không ủy quyền hoặc phân công cho cấp phó tiếp công dân” vào trước câu: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do khách quan...”. Điểm c, khoản 2 Điều 11, bổ sung cụm từ: “và phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sai sự thật”. Khoản 2 Điều 12, bổ sung nội dung: “người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân đối với người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2, điều 8 của luật này”; thêm vào điểm d khoản 1 điều này nội dung: “người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp những trường hợp trong tình trạng say rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích khác”. Khoản 2 Điều 16; 20; 23; 27 và khoản 3 Điều 31 thay cụm từ: “vụ việc phức tạp” bằng cụm từ “khi cần thiết”. Khoản 1 Điều 21 nên thay lại là “... thuộc Thanh tra tỉnh và do Phó Thanh tra phụ trách” sẽ phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định tại Điều 56 của Dự thảo Luật. Tương tự như trên, áp dụng để sửa khoản 1 Điều 25 nói về trụ sở tiếp công dân cấp huyện. Khoản 2 Điều 21 và 25 nói về trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện có đại diện văn phòng cấp ủy, UBKT, HĐND, Văn phòng UBND tham gia tiếp công dân mà không nhắc tới thành phần là thanh tra và UB MTTQ. Đề nghị bổ sung thêm 2 thành phần này vào việc tiếp công dân tại trụ sở nhằm thể hiện rõ vai trò, nhiệm vụ của 2 cơ quan này khi tham gia tiếp công dân. Khoản 4 Điều 24 có nêu: đại diện văn phòng UBND cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý cả khiếu nại và tố cáo liên quan đến chủ tịch UBND cấp tỉnh” là không hợp lý, mà chỉ nên giao cho đại diện văn phòng UBND cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý kiến nghị và phản ánh liên quan đến chủ tịch UBND cấp tỉnh, như vậy mới đảm bảo đúng thẩm quyền theo Luật định, không lấn sang thẩm quyền của cơ quan Thanh tra và như vậy sẽ tách để bổ sung xuống cuối khoản 4 nội dung: “Đại diện Thanh tra Tỉnh tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh”. Tương tự, điều chỉnh khoản 4 Điều 28 nói về phạm vi, trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức thường trực tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện, liên quan tới thẩm quyền của thanh tra huyện. Điều 44 đề nghị sửa thành “Tiếp công dân của MTTQ và các tổ chức Chính trị xã hội” cho đầy đủ và phù hợp. Điều 45, bỏ cụm từ “các cơ quan khác của nhà nước” và bổ sung cụm từ: “Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”. Đề nghị bỏ Điều 48 vì đã được quy định đầy đủ trong Luật Khiếu nại, tố cáo. Khoản 5 Điều 3, giải thích cụm từ “cơ quan, tổ chức, đơn vị” chưa rõ, có phần nhầm lẫn giữa 4 từ “cơ quan” “đơn vị” với 2 từ “tổ chức”... Đề nghị sửa lại cho đúng với khoản 10 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều 4, bỏ 2 từ “cơ quan” ở dòng 1 và dòng 4 và bỏ cụm từ “cá nhân nước ngoài” ở dòng 2. Khoản 1 Điều 11, bổ sung cụm từ “phải tôn trọng quyết định giải quyết, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức tiếp công dân” vào điểm d cho đầy đủ. Điều 13, bỏ khoản 2, vì khoản 1 đã khá đầy đủ. Điều 18 bổ sung cụm từ "cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ” vào sau tên gọi cho đầy đủ. Điều 19, 20 dùng từ “thanh tra bộ” là không chuẩn xác, đề nghị viết lại thành “Thanh tra cấp bộ”.
Liên kết website
Ý kiến ()