Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:13 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm đối tượng miễn thuế VAT
Thứ 4, 29/05/2013 | 15:22:57 [GMT +7] A A
Nếu phạm vi đối tượng được miễn thuế rộng thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), số lượng nhóm đối tượng không chịu thuế là 25 hàng hóa. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), qui định số lượng như vậy là quá nhiều. “Qui định như vậy chưa thực sự phù hợp với chiến lược cải cách thuế. Thông thường phải từ 3-5 năm ta mới xem xét sửa đổi luật này một lần. Và như vậy có nghĩa là nhanh nhất cũng phải đến năm 2016 ta mới có thể xem xét sửa đổi luật này một lần nữa và lúc đó ta mới có thể có cơ hội để xem xét thực hiện mục tiêu này, chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Quang Sơn (đoàn Bắc Cạn) cho rằng, việc quy định càng nhiều đối tượng không chịu thuế thì càng gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, do vậy nên giảm tối đa về hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng.
Phân tích rõ hơn quan điểm của mình, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói: Doanh nghiệp sẽ mất quyền khấu trừ thuế đầu vào của hàng hoá dịch vụ khi mua vào, cụ thể như hoá đơn tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, internet, văn phòng phẩm...Vì căn cứ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ chính là số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng khi mua hàng hoá đầu vào. “Do vậy, nếu phạm vi đối tượng được miễn thuế rộng và không được thu hẹp thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp” – bà Hải nhắc lại.
Ngoài ra, theo quan điểm của một số đại biểu, đối với doanh nghiệp bán hàng hoá dịch vụ vừa thuộc đối tượng chịu thuế, vừa thuộc đối tượng không chịu thuế thì phải tốn nhiều thời gian và nhân lực trong việc hạch toán hoặc phân bổ số thuế đầu vào được khấu trừ.
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, với việc sửa đổi Khoản 25 từ hàng hóa dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước sang thành hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu đồng. Do số thu thuế từ nhóm người nộp thuế này ít, đồng thời để thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước và thuận tiện cho công tác quản lý thì nên đưa nhóm này được miễn trừ trong đối tượng nộp thuế theo tiêu chí về thu nhập. Nếu xác định doanh thu thì sẽ không phù hợp theo từng thời kỳ và sẽ phải sửa đổi luật liên tục.
Ngoài ra, một số đại biểu khác lưu ý việc qui định mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng của hộ, cá nhân kinh doanh tại dự thảo luật cần thống nhất với ngưỡng giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng/tháng, tương đương 108 triệu đồng/năm.
Về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế, dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, theo đó áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ hộ có cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng và bổ sung quy định về cách xác định giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.
Đại biểu Trần Văn Huynh (đoàn Kiên Giang) đề nghị xem xét quy định ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương pháp, phương án đề xuất của Chính phủ. Vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn, dẫn đến chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý áp dụng thuế giá trị gia tăng, chưa đáp ứng mục tiêu tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế đề ra trong chiến lược cải cách thuế.
Mức hoàn thuế nên để 200 triệu đồng
Về thuế suất, theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) trong điều kiện hiện nay chưa áp dụng ngay một mức thuế chung như chiến lược cải cách thuế đến năm 2020. Vì nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp, một số lĩnh vực vẫn cần ưu tiên, đặc biệt là đầu vào, đầu ra của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị: Giữ nguyên cơ cấu thuế suất như hiện nay, 0% cho hàng hoá dịch vụ xuất khẩu, 5% cho hàng hoá dịch vụ thiết yếu bao gồm các sản phẩm đầu vào, đầu ra của nông nghiệp nông thôn, 10% cho hàng hoá dịch vụ còn lại.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đại biểu Trần Văn Huynh cho rằng, dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành với mức hoàn thuế 200 triệu đồng. Vì trong bối cảnh hiện nay việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng gấp 2,5 lần như quy định của dự thảo luật sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho thuế doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế.
Cùng về nội dung này, đại biểu Dương Quang Sơn cho rằng: Việc quy định như vậy chưa khả thi, bởi thực tiễn hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn và cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu thấp và thuế được hoàn hàng kỳ rất thấp. Nếu quy định mức tối thiểu được hoàn thuế 500 triệu đồng thì có những doanh nghiệp phải chịu thời gian rất dài mới đủ mức để hoàn thuế. Do đó, nên giữ nguyên mức thuế tối thiểu được hoàn theo luật hiện hành phù hợp. Hoặc có thể quy định mức thuế tối thiểu được hoàn theo mức doanh thu hàng tháng của các doanh nghiệp, đồng thời quy định chặt chẽ về các điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế và tránh thất thu thuế.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()