Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:18 (GMT +7)
Đại biểu Trần Xuân Hòa báo cáo về các dự án khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên và việc tái cơ cấu Vinacomin
Thứ 3, 04/06/2013 | 16:56:18 [GMT +7] A A
Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Hòa đã có báo cáo về hai vấn đề mà Quốc hội đang quan tâm, là hai dự án khai thác bô-xit và chế biến alumin, và việc tái cơ cấu Vinacomin.
Nhà máy alumin Tân Rai. (Ảnh minh họa Internet) |
Hai dự án khai thác bô-xit và chế biến alumina
Đối với dự án alumin Tân Rai ở Lâm Đồng, có tổng mức đầu tư trước thuế 14.642 tỷ đồng, công suất 650 ngàn tấn/năm, đến nay đã hoàn thành đầu tư. Toàn bộ tổ hợp dự án, bao gồm mỏ-tuyển-alumin đang trong giai đoạn hoàn thiện khâu chạy thử, ở mức 60% công suất và sẽ tăng lên 100% công suất, bàn giao, đưa nhà máy vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm. Cuối năm ngoái, nhà máy đã có sản phẩm đầu tiên, đến nay đã sản xuất được 60 ngàn tấn alumin, 16 ngàn tấn hydrate, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu và 15 ngàn tấn đầu tiên đã được bán cho khách hàng Thụy Sỹ.
Đối với dự án alumin Nhân Cơ ở Đắc Nông, tổng mức đầu tư 14.800 tỷ đồng, công suất 650 ngàn tấn/năm, tính đến tháng 5 năm nay, đã hoàn thành khoảng 60% với giá trị khoảng 7 ngàn tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014. Quy mô, thiết bị và công nghệ này tương tự như dự án ở Tân Rai.
Thực tế thời gian qua đã xuất hiện những lo ngại về hiệu quả, công nghệ, môi trường của dự án. Sau khi đã có ý kiến thẩm định của Bộ Công thương, Bộ Xây dựng vào đầu tháng 5 vừa qua, thì dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ có hiệu quả kinh tế, có lợi nhuận, thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế, giá bán các loại khoáng sản đang ở mức thấp, nên so với tính toán ban đầu, thời gian thu hồi vốn của 2 dự án kéo dài hơn 2-3 năm so với tính toán trước đây.
Với giá bán alumin bình quân cho 30 năm là 379 USD/tấn, thấp hơn 71 USD so với giá dự báo của các tổ chức tư vấn quốc tế, với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, ngành sản xuất nhôm sẽ tăng trưởng trở lại kèm theo giá alumin tăng trở lại. Với vòng đời dự án 30 năm, thực tế các dự án sẽ tồn tại 50 năm do trữ lượng quặng lớn, và đây là các yếu tố hết sức quan trọng để khẳng định vào hiệu quả của dự án mang lại...
Công nghệ SX alumin được áp dụng theo công nghệ Bayer truyền thống mà các nhà máy alumin trên thế giới đang áp dụng. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, nghiệm thu việc chế tạo thiết bị chủ yếu của dây chuyền ngay tại Nhà máy chế tạo trước khi được vận chuyển về Việt Nam, đảm bảo thiết bị chế tạo mới 100%. Để đánh giá chuẩn xác hiệu quả công nghệ áp dụng, cần phải theo dõi, kiểm tra trong một thời gian nhất định vì các thông số đánh giá về hiệu quả công nghệ như suất tiêu hao nguyên nhiên liệu, thu hồi sản phẩm, chất lượng sản phẩm chỉ được xác định chuẩn xác sau khi Nhà máy chạy đủ 100% công suất ổn định. Tại thời điểm hiện nay, khi Nhà máy Tân Rai đang trong quá trình chạy thử mà đã đánh giá về hiệu quả công nghệ là thiếu cơ sở.
Đối với an toàn môi trường. Rủi ro lớn nhất là bùn đỏ, các hồ chứa bùn đỏ đã được thiết kế và xây dựng chống thấm chắc chắn không gây ô nhiễm nguồn nước và chống tràn, chống vỡ hồ bằng các khoang dự phòng và đập dự phòng.
Hiện Vinacomin đã ký hợp đồng bán sản phẩm alumina với một số Công ty Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Sỹ. Ngoài ra các công ty Hàn Quốc, Anh quốc, Malaysia cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam.
Dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ là các dự án thí điểm, được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng chính phủ là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Boxit-Nhôm Việt Nam; 2 dự án đã được Quốc hội dự kiến đưa vào chương trình giám sát năm 2014 của Quốc hội. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các ĐBQH.
Tái cơ cấu Tập đoàn
Đến năm 2012, Vinacomin gồm có công ty mẹ và 63 công ty con trong đó có 23 công ty TNHH MTV, 7 đơn vị sự nghiệp và 33 công ty được cổ phần hóa từ những năm 1999 đến nay. Vinacomin triển khai thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 314 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu thoái vốn khỏi các dự án không thuộc ngành sản xuất chính của Tập đoàn và tiếp tục cổ phần hóa các ngành SXKD khác (trừ than).
Sau thực hiện tái cơ cấu lần này, Vinacomin sẽ gồm Công ty mẹ và 38 công ty con, trong đó có 6 công ty TNHH MTV, 5 đơn vị sự nghiệp và 27 công ty cổ phần.
Những năm qua, Vinacomin là một trong những tập đoàn chú trọng đầu tư vào các ngành sản xuất chính là than-khoáng sản-điện-vật liệu nổ công nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, ít đầu tư ra ngoài ngành. Tổng số dự án đầu tư ngoài ngành của Vinacomin tới đầu năm 2011 chỉ có 13 dự án với tổng vốn đầu tư là 600 tỷ đồng, bằng khoảng 4% tổng vốn điều lệ, chưa kể dự án Công ty Tài chính Vinacomin là công ty phục vụ trong ngành với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 3/2013, Vinacomin đã thực hiện xong thoái vốn khỏi 7 dự án, 4 dự án đang làm thủ tục kiểm kê định giá tài sản để chuyển nhượng trong năm 2013 (tổng giá trị gần 500 tỷ đồng). Riêng Công ty Tài chính Than-Khoáng sản do Vinacomin sở hữu 100% vốn, Vinacomin đã cùng với Ngân hàng thống nhất đề xuất phương án chuyển nhượng, sẽ thu hồi vốn trong năm 2013. Như vậy, hết năm 2013 dự kiến chỉ còn gần 100 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất chính, dự kiến sẽ thu hồi trong năm 2014-2015.
Đánh giá chung là các dự án đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất chính của Vinacomin có tổng vốn đầu tư thấp, SXKD có hiệu quả (trừ dự án góp với Vinashin 47,8 tỷ đồng) nên việc thu hồi là khả thi, bảo toàn được vốn nhà nước.
Ngoài việc sắp xếp mô hình tổ chức SXKD, Vinacomin chú trọng đổi mới phương thức huy động vốn đầu tư cho sản xuất, đặc biệt chú trọng kêu gọi vốn đầu tư xã hội vào đầu tư ở các khâu của quá trình sản xuất mà chúng tôi cho rằng các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có khả năng thực hiện và thực hiện hiệu quả hơn. Ví dụ như: các dự án đầu tư xe ô tô chở đất đá trọng tải 50-100 tấn, các dự án vận chuyển than, đất bằng băng tải... theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư3 (khóa XI) và Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có thể nêu các dự án điển hình do tư nhân đầu tư là Dự án băng tải cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê 160 tỷ đồng, Dự án băng tải cấp than cho nhà máy nhiệt điện Mông Dương 180 tỷ đồng và tới đây là Dự án băng tải vận chuyển đất đá thải mỏ than Cao sơn 1.800 tỷ đồng. Do kêu gọi được nguồn vốn xã hội cùng đầu tư vào sản xuất, tổng nguồn vốn vay của Vinacomin trên vốn chủ sở hữu hiện giữ ở mức là 2,52 lần.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đang và sẽ có một lực lượng không nhỏ lao động dôi dư cần phải được đào tạo lại hoặc chuyển sang các công việc mới mà nên kinh tế phát triển tạo ra. Để giải quyết được vấn đề này cần một nguồn kinh phí không nhỏ mà không một doanh nghiệp nào có thể tự thu xếp giải quyết được, ngoại trừ có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết vấn đề hệ trọng này nếu như chúng ta muốn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam diễn ra thành công.
Liên kết website
Ý kiến ()