Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:37 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh nguồn nước
Thứ 3, 13/12/2022 | 15:23:53 [GMT +7] A A
Theo tính toán của đơn vị chuyên môn, hiện mỗi năm, nhu cầu sử dụng nước của toàn tỉnh là khoảng 430 triệu m3, trong đó nhu cầu nước phục vụ nông nghiệp chiếm 55%, phục vụ công nghiệp là 18%, phần còn lại là lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các mục đích khác. Toàn tỉnh Quảng Ninh đang có 176 hồ đập trữ, chứa nước với dung tích 323 triệu m3/năm, cộng với lượng nước lấy từ sông suối, nước ngầm.
Với những thông số đầu vào, đầu ra như trên thì về tổng thể, thời điểm hiện nay, Quảng Ninh không thiếu nước. Tuy nhiên, về cục bộ, ở những vị trí cao, sử dụng nước khe suối là chủ yếu và vào thời điểm nắng hạn vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu nước. Thêm vào đó, với tốc độ tăng trưởng như những năm qua, dự kiến vào năm 2025, Quảng Ninh sẽ thiếu trên 1 triệu m3 nước, năm 2030 thiếu trên 2,6 triệu m3 nước.
Từ mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang giao cho các ngành chuyên môn, các địa phương triển khai thực hiện những đầu việc cần thiết, trong đó có tính toán, lên phương án, triển khai thi công một số các công trình hồ đập. Đây là nơi sẽ trữ, chứa phần lớn nguồn nước mặt, thay vì lượng nước vào mùa mưa đổ về các sông suối và ra cửa biển, hòa lẫn với nguồn nước mặn, không thể sử dụng để phục vụ sản xuất công, nông nghiệp hoặc sinh hoạt.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có 3 công trình hồ đập đang được thi công, trong đó 2 công trình vốn ngân sách nhà nước là hồ Khe Tâm (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) và hồ C2 (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô), công trình vốn doanh nghiệp đầu tư là hồ Đồng Dọng (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn).
Hồ Khe Tâm có giá trị đầu tư 120 tỷ đồng, đã triển khai các hạng mục bước đầu với giá trị quyết toán năm 2022 gần 20 tỷ đồng, hiện nay đang chờ bố trí nguồn vốn năm 2023 để thực hiện công đoạn chặn dòng, là cơ sở triển khai các hạng mục chính yếu về đáy, lòng và thành hồ. Đối với hồ C2, huyện Cô Tô đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư và cho khởi công, tuy nhiên hiện công trình này đang dừng triển khai bởi khó khăn về nguồn đất đắp. Theo quy định, Cô Tô không quy hoạch mỏ đất, trong khi đó nếu vận chuyển đất đắp từ đất liền ra phục vụ công trình thì giá trị đầu tư có thể vượt hơn dự toán đến 50 tỷ đồng. Đối với công trình hồ Đồng Dọng, sau thời gian dừng thi công do chủ đầu tư được xác định thiếu năng lực và thiện chí, UBND tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư mới. Đến nay, công trình này đang được bắt đầu tái khởi động lại và kỳ vọng đạt tiến độ thi công đề ra.
Cùng với các công trình nói trên, hiện các đơn vị chuyên môn cũng xúc tiến các thủ tục đầu tư để trình UBND tỉnh cho triển khai một số công trình hồ đập quan trọng khác, bao gồm: hồ Tài Chi (huyện Hải Hà), hồ Khe Và, hồ Khe Ngày (huyện Bình Liêu), hồ Pò Hèn (TP Móng Cái), hồ trên đảo Vạn Cảnh (huyện Vân Đồn)…
Theo ông Vũ Mạnh Huy, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh, những công trình trên cần thiết cho sự phát triển công nghiệp, du lịch của các đơn vị trong tương lai. Ví như hồ Tài Chi, nếu được đầu tư sẽ đảm bảo nguồn cung nước cho khu công nghiệp Texhong. Theo quy hoạch, diện tích sản xuất của Texhong là 6.000ha, hiện nay, diện tích sản xuất của Texhong mới phủ khoảng 400ha, có nghĩa trong tương lai nhu cầu sử dụng nước của Texhong là rất lớn, việc sử dụng nguồn cung nước tại chỗ như hiện nay là không đáp ứng được. Còn 3 hồ Khe Và, Khe Ngày và Pò Hèn cần có nhằm nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sức khoẻ người dân sử dụng nước. Hiện nay nguồn nước người dân các khu vực này sử dụng phần lớn bắt nguồn từ các sông biên giới, nơi mà đầu nguồn và phía bờ bên kia sông thuộc quyền quản lý, giám sát của nước bạn. Đó là không nói vào những năm hạn, lượng nước tại các sông suối này bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến việc thiếu nước cho người dân sản xuất, sinh hoạt như đã từng xảy ra.
An ninh nguồn nước được tỉnh Quảng Ninh xác định ngày càng cần thiết, có tác động lớn đến sự phát triển trên địa bàn. Những chuyển động trong việc thi công, bảo vệ và phát huy các công trình hồ đập hiện nay chính là một trong những hoạt động đảm bảo an ninh nguồn nước mà Quảng Ninh đã và đang triển khai hiệu quả.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()