Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:23 (GMT +7)
Đảm bảo ATGT nông thôn, miền núi
Thứ 4, 05/01/2022 | 14:51:02 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông nông thôn ở Quảng Ninh đã thay đổi rất nhiều nhờ được đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh. Nhờ đó, Quảng Ninh đã có gần 2.000km đường liên thôn, liên xã được cứng hoá, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, thông thương buôn bán. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới, trong đó có công tác đảm bảo trật tự ATGT cần được chú trọng giải quyết.
Mặc dù năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ xảy ra 7 vụ TNGT ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến giao thông ở khu vực nông thôn, miền núi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao, là nhiều điểm cong cua, khuất tầm nhìn, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay sử dụng rượu, bia...
Ông Nguyễn Thiên Vương, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi, khi tham gia giao thông thường có tâm lý chủ quan, bỏ qua các quy định an toàn như không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều... Rất nhiều người dân khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, đều cho rằng đi chậm thì làm sao xảy ra tai nạn được, hoặc chỉ uống chút rượu nên vẫn lái xe tốt... Chính vì vậy, công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm luật giao thông ở khu vực này cần được chú trọng hơn.
Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT ở khu vực nông thôn, miền núi hiện nay là tại nhiều địa phương có KCN, lượng công nhân các tỉnh khác về ở trọ rất đông. Sau giờ tan ca, một số công nhân tụ tập ăn uống và có sử dụng rượu, bia, khi ra về thường điều khiển phương tiện lưu thông nhanh, dẫn đến các vụ TNGT, gây mất ANTT.
Bên cạnh đó, ở khu vực miền núi, hầu hết các hộ dân đều trồng cây keo để phát triển kinh tế. Đến mùa thu hoạch keo, nhiều hộ dân, hoặc thương lái đưa phương tiện là xe ô tô vào vận chuyển đến điểm tập kết. Điều đáng nói là các xe vận chuyển keo đều cơi nới chiều cao của thùng xe lên quá mức cho phép, khi đi vào đường xấu rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông ở đây có diện tích nhỏ, nhiều điểm cong cua, khuất tầm nhìn... nhưng một số lái xe vẫn chạy rất nhanh, dễ gây ra TNGT.
Để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, các địa phương đã phát huy rất tốt vai trò của các cơ quan đoàn thể, trong đó có lực lượng công an xã. Theo đó, khi lực lượng công an chính quy được đưa về các xã, công tác tuyên truyền cho người dân chấp hành luật giao thông đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều hành vi vi phạm luật giao thông đã được kiềm chế, đặc biệt là thói quen sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã có chiều hướng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, cho biết: Hằng tháng chúng tôi đều yêu cầu lực lượng công an xã cùng các bí thư chi bộ, trưởng thôn, có kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền luật giao thông cho người dân. Đối với các hộ trồng keo, xã cũng đề nghị ký cam kết khai thác, vận chuyển phải đảm bảo an toàn, không để cây ngổn ngang ra đường gây cản trở giao thông, cũng như khi vận chuyển phải đúng tải trọng, kích thước phương tiện. Chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng CSGT Công an huyện tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm trên địa bàn. Nhờ vậy, từ nhiều năm nay, tại xã Đại Dực không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào.
Để đảm bảo trật tự ATGT khu vực nông thôn, miền núi, ngoài việc nâng cấp hạ tầng giao thông, công tác hướng dẫn, tuyên truyền luật giao thông cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, phù hợp với điều kiện thực tế, nhận thức của nhân dân.
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()