Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:03 (GMT +7)
Dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất
Thứ 3, 25/06/2024 | 10:03:23 [GMT +7] A A
Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược và lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt, thực hiện xuyên suốt, cụ thể hóa bằng sự quan tâm, dành nguồn lực kinh phí lớn, những chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em.
Dành nhiều nguồn lực
Quảng Ninh hiện có 347.194 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 140.000 trẻ dưới 6 tuổi; trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,3%. Toàn tỉnh có 4.534 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 8.506 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Những năm vừa qua, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật đối với trẻ em, tỉnh còn ban hành những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ trẻ em về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, trợ giúp xã hội. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh ban hành 7 nghị quyết chuyên đề về trẻ em, trong đó có 5 nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, với nguồn ngân sách tỉnh chi thực hiện các nghị quyết đặc thù đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm tỉnh huy động nguồn lực xã hội hoá hơn 20 tỷ đồng chăm sóc trẻ em và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, qua hơn 3 năm đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, kết quả các mục tiêu vì trẻ em trên địa bàn tỉnh có chuyển biến rõ nét so với năm đầu giai đoạn (năm 2021), tiêu biểu là các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo BHYT miễn phí đạt 99,8%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 20,1%, giảm 1,6% so với năm 2021 (chỉ tiêu quốc gia năm 2025 là <17%); suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 10,5%, giảm 1,4% so với năm đầu giai đoạn (chỉ tiêu quốc gia là <9%).
Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,87% (vượt chỉ tiêu quốc gia 0,73%); tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học là 98,32% (vượt chỉ tiêu quốc gia 0,72%); tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp THCS là 99,13% (chỉ tiêu quốc gia 99,99%); tỷ lệ trẻ khuyết tật học giáo dục hoà nhập đạt 91,3%. Mới đây tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hiện trên 90% trường học trong toàn tỉnh đã được kiên cố hoá, đảm bảo nhu cầu học tập và an toàn cho trẻ em.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cấp tỉnh, cấp huyện, trên địa bàn tỉnh 58,2% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao cấp xã (trung tâm văn hóa thể thao) và 99,72% thôn, khu có thiết chế văn hoá dành cho trẻ em (nhà văn hóa thôn, khu). 100% trẻ em trong trường học được tham gia các hoạt động ngoại khoá và các hoạt động ngoài giờ do nhà trường tổ chức; 100% trường THCS tham gia các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống, văn hoá ứng xử...
Quảng Ninh cũng dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 89 trẻ thuộc diện bảo trợ xã hội. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh năm 2023 vận động được hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ gần 8.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh mỗi năm vận động hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hằng năm, Tỉnh Đoàn đều tổ chức “Tết chia sẻ, Tết yêu thương”. Với số tiền huy động trên 4 tỷ đồng, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tặng 8.250 suất quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần giúp các em được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, đầm ấm; đỡ đầu thường xuyên 458 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Chương trình “1.000 góc học tập cho em” đã trao 60 góc học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức đã xây dựng nhiều mô hình đỡ đầu, trợ giúp trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng và phát triển thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Năm 2023 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu hằng tháng gần 2.000 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền gần 14 tỷ đồng.
Tiêu biểu trong đó có thể kể đến như Hội LHPN tỉnh với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ; Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 111 trẻ trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi đồn biên phòng"; Tỉnh Đoàn phân công các cơ sở đoàn đỡ đầu 496 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đỡ đầu 36 trẻ; các huyện, thị xã, thành phố vận động đỡ đầu trên 300 trẻ...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Tuy nhiên công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.
Trong đó phải kể đến công tác bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có hạn chế; việc quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực, nguy cơ gây thương tích cho trẻ em có lúc, có nơi chưa kịp thời; tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích đã giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp (5 tháng đầu năm 2024 có 9 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 3 trẻ tử vong do tai nạn giao thông; 4 trẻ tử vong do đuối nước).
Vẫn còn tỷ lệ nhất định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày và gặp nhiều khó khăn, rất cần được quan tâm hơn nữa dù đã được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách. Qua rà soát, đến nay toàn tỉnh còn hơn 600 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng cần được đỡ đầu thường xuyên hằng tháng, cần được quan tâm động viên để vượt khó vươn lên.
Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế ở Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, trẻ em vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ như các vấn đề về tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại, tệ nạn ma túy và lừa gạt qua mạng xã hội... Hơn bao giờ hết, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em càng cần được gia đình và xã hội đặc biệt chú trọng.
Hành động thiết thực vì trẻ em
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 được Bộ LĐ-TB&XH xác định chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Thông qua triển khai Tháng hành động vì trẻ em hằng năm là nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án và vận động được nhiều nguồn lực hơn nữa cho trẻ em.
Tại Quảng Ninh, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 gắn với triển khai hoạt động hè với chủ đề “Hè vui an toàn, học ngàn điều hay”, các hoạt động vui chơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường trong năm học và trong các dịp hè với nhiều lớp kỹ năng sống, trong đó chú trọng lồng ghép nội dung về kỹ năng bơi lội, phòng chống bạo lực, xâm hại... Qua đó hướng tới các nội dung trọng tâm là ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, trẻ em được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Để tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 (từ ngày 1 đến 30/6) trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra với nhiều hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội. Qua đó tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; chú trọng việc phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, cũng như bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em một cách quyết liệt; tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ em phát triển toàn diện.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()