Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:06 (GMT +7)
Dành nhiều nguồn lực phát triển khu vực biên giới đất liền
Thứ 6, 10/03/2023 | 14:11:34 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP (ngày 2/3/2022) của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới. Đến nay, diện mạo khu vực biên giới có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Triển khai Nghị quyết số 23/NQ-CP, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành một số nghị quyết về phát triển KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 96/NQ-HĐND (ngày 31/5/2022) về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021) của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 12/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, cùng một số cơ chế, chính sách cụ thể, góp phần phát triển KT-XH khu vực biên giới của tỉnh.
Cụ thể hóa các nghị quyết trên, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, như: Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái (đoạn từ cầu Voi, xã Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335, giai đoạn 1); Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1); đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh; đường ven biển Hải Hà - Móng Cái; Khu hợp tác kinh tế qua biên giới khu vực đầu cầu Bắc Luân II; cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giai đoạn 2)...
Đặc biệt, trong năm 2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển.
Cùng với phát triển giao thông, hạ tầng viễn thông cũng được tỉnh quan tâm đầu tư có trọng điểm. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 54/54 trạm thu phát sóng di động (BTS) phủ lõm sóng 66/66 thôn (đạt 100% kế hoạch); triển khai hạ tầng, cung cấp dịch vụ Interrnet băng rộng cố định cho 97/113 thôn còn lõm cáp quang. Sở TT&TT đã phê duyệt 159 vị trí xây dựng trạm BTS cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện tích phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số là 6.750 trạm BTS. Đến nay, hạ tầng băng thông rộng đảm bảo chất lượng phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử, hội nghị trực tuyến, thương mại điện tử... góp phần hỗ trợ tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Thực hiện mục tiêu duy trì 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn, Công ty Điên lực Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện tại các địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà, tổng mức đầu tư là 83,269 tỷ đồng. Đến nay, chương trình này đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, thời gian qua tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn lực ngân sách tỉnh và các địa phương để đầu tư, xây mới, nâng cấp một số trường học theo tiêu chí chất lượng cao tại một số địa phương biên giới đất liền như: Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái với kinh phí trên 300 tỷ đồng, đó là: Trường THPT Bình Liêu và Trường THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu); Trường THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà); Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái).
Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng trung tâm văn hóa thể thao ở các xã chưa có, hoặc không còn sử dụng được. Trong đó, đã xây mới 4 nhà văn hóa các xã: Hải Lạng (huyện Tiên Yên), Quảng Tân và Tân Bình (huyện Đầm Hà), Cái Chiên (huyện Hải Hà). Còn lại 12 xã dự kiến tiếp tục xây dựng trong năm 2023.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, bảo vệ bí mật nhà nước trong thu hút các nguồn lực xã hội và xây dựng triển khai các dự án phát triển KT-XH khu vực biên giới. Đồng thời, tiếp tục triển khai hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Quảng Ninh là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối ASEAN với các tỉnh phía Nam Trung Quốc) để phát triển kinh tế cửa khẩu; tiếp tục phát triển dịch vụ vận tải và logistics, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp...
Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH chung của tỉnh. Các chính sách, chương trình phát triển khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS triển khai hiệu quả đã góp phần giảm nghèo, thay đổi đời sống nhiều hộ dân địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi. Hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân.
Nguyễn Huế
- Phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới
- BĐBP tỉnh và các địa phương biên giới, biển đảo triển khai quy chế phối hợp năm 2023
- Huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Liên kết website
Ý kiến ()