Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:08 (GMT +7)
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển thủy sản
Thứ 7, 10/09/2022 | 14:09:11 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có bờ biển dài, rộng, nhiều vũng vịnh kín gió, thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản. Điều này đã được tỉnh nhìn nhận và hàng năm đều dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, người dân đầu tư, hình thành nên nhiều khu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển ngành thủy sản.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2016, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng KHCN trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; danh mục các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nghề cá tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2021, ngân sách nhà nước đã bỏ ra trên 1.300 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 330 tỷ đồng) đầu tư cho lĩnh vực thủy sản. Trong đó, ngân sách Trung ương 62 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 800 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 455 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu được tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phục vụ phát triển bền vững ngành thủy sản, như: Đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, các khu neo đậu tránh trú bão và hệ thống giao thông kết nối đến khu nuôi trồng thủy sản…
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng, khai thác thủy sản được tập trung đầu tư ở hầu hết các địa phương ven biển của tỉnh, trong đó chú trọng đến những vùng trọng điểm, có số lượng lớn tàu thuyền thường xuyên neo đậu, có hoạt động khai thác, nuôi trồng như tại Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.
Điển hình như huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có số lượng tàu, thuyền hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trong lộng và tuyến khơi lớn nhất tỉnh, do vậy đã được tỉnh lựa chọn đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I có diện tích 96,4ha, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu có công suất đến 1.000CV neo đậu. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2020, đến nay đã hoàn thành, đảm bảo đủ điều kiện để tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão khi cần thiết. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Vân Hải (Vân Đồn), cho biết: Việc nhà nước đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại cảng Cái Rồng là rất phù hợp, bởi ở đây quanh năm đều có số lượng lớn tàu thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản không chỉ của Quảng Ninh mà ở các tỉnh, thành khác về đây neo đậu tránh trú, thu mua thủy sản và nhập vật tư, thực phẩm trước mỗi chuyến vươn khơi.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7/11 khu neo đậu tránh trú bão nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 được đầu tư xây dựng. Trong đó có 2 khu neo đậu đã được công bố tại Quyết định số 1404/QĐ-BNN-TCTS ngày 2/4/2021 của Bộ NN&PTNT đủ điều kiện đi vào hoạt động (khu neo đậu tại xã Tiến Tới, huyện Hải Hà; khu neo đậu tại phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả); 5 khu neo đậu tránh trú bão đang chờ được công bố theo quy định tại xã Tân Lập (Đầm Hà), đảo Trần, thị trấn Cô Tô (Cô Tô), thị trấn Tiên Yên (Tiên Yên), thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn); các khu neo đậu khác đang được tiếp tục đầu tư theo quy định.
Ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước, trong giai đoạn 2018-2021, tỉnh còn huy động được khoảng 5.000 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng, chế biến thủy sản. Một số doanh nghiệp có sự đầu tư lớn, như: Công ty CP Phương Anh đầu tư 500 tỷ đồng, Tập đoàn Việt - Úc đầu tư 450 tỷ đồng, Công ty CP Thủy sản Tân An đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư 300 tỷ đồng.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản mà giá trị tăng thêm của ngành thủy sản hàng năm luôn đạt mức cao. Riêng trong năm 2021, giá trị tăng thêm kinh tế thủy sản đạt trên 3.700 tỷ đồng, chiếm 2,64% GRDP toàn tỉnh, chiếm 51% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt trên 15.500 tỷ đồng, chiếm 56% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Đặc biệt, đã tạo công ăn việc làm ổn định, bền vững, lâu dài cho hàng vạn lao động hàng năm, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Mạnh Trường
- Cần sớm vận hành khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá tại Vân Đồn
- Thu hút đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá: Doanh nghiệp chưa mặn mà
- TP Móng Cái: Nâng cao giá trị ngành thủy sản
- Để Vân Đồn trở thành vùng NTTS có mã số
- Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Tăng cường công tác quản lý đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()