Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:09 (GMT +7)
Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư: Sáng tạo trong tư duy quản lý
Chủ nhật, 31/08/2014 | 12:56:32 [GMT +7] A A
Trong hoàn cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng nhanh mà ngân sách của Nhà nước có giới hạn, hợp tác công - tư (PPP) có khả năng như một “đòn bẩy” đối với các nguồn lực tài chính và chuyên môn từ khu vực tư nhân nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư. Sớm nắm bắt những lợi thế của mô hình này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực đẩy mạnh triển khai thí điểm nhiều công trình, đặc biệt là những công trình động lực có ý nghĩa lớn...
Công trình Cụm cổ động Sa Vĩ được TP Móng Cái giao cho Công ty TNHH Trí Lực khai thác theo mô hình hợp tác “đầu tư công - quản lý tư”. |
Đón đầu một xu thế tất yếu
Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là một khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam nhưng cũng mới được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành trong cả nước như Bình Dương, Đà Nẵng... Đặc biệt, hình thức này được quy định rõ nhất tại Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là cơ hội để các tỉnh, thành phát triển kinh tế trong điều kiện ngân sách hạn chế và là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới.
Đón đầu xu hướng này, Tỉnh uỷ Quảng Ninh có chủ trương triển khai các mô hình hợp tác công - tư với kỳ vọng các mô hình này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đối với các công trình do Nhà nước đầu tư. Đây cũng là mô hình đầu tư góp phần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thí điểm đầu tư và quản lý theo hình thức đối tác công - tư với các mô hình: “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư”, “Đầu tư tư - sử dụng công”, ngay từ đầu quý II-2014, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã tích cực triển khai nội dung này. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đầu tư và quản lý theo hình thức hợp tác công - tư là cách làm mới, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, huy động được nguồn lực xã hội, sự năng động trong quản trị của khối tư nhân, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng chí cũng lưu ý, đây là cách làm mới do đó phải thống nhất nhận thức từ các cấp, ngành đến các tầng lớp nhân dân.
Công viên văn hoá Hạ Long - một trong những công trình được đề xuất quản lý theo mô hình đối tác công - tư. |
Cách tiếp cận mới huy động nguồn lực phát triển
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành hướng dẫn các địa phương với nội dung trọng tâm về tiêu chí lựa chọn dự án, mô hình, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo ký kết hợp đồng, kiểm tra, giám sát... Các địa phương thành lập Ban Điều hành do Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban. Với tinh thần quyết liệt, tỉnh chỉ đạo trong năm 2014 mỗi đơn vị, địa phương phải triển khai được ít nhất 1 công trình theo danh mục dự án đã được thống nhất tại văn bản 2817/UBND-XD2 (ngày 27-5-2014). Cụ thể, theo văn bản này, có 67 công trình triển khai thí điểm đợt đầu; trong đó có 6 công trình đề xuất áp dụng mô hình “lãnh đạo công - quản trị tư”; 48 công trình đề xuất áp dụng mô hình “đầu tư công - quản lý tư”; 13 công trình đề xuất áp dụng mô hình “đầu tư tư - sử dụng công”.
Trên cơ sở thống nhất quan điểm, chủ trương thực hiện, đến thời điểm này các địa phương, sở, ngành đều đã bắt tay triển khai. Tiêu biểu là Uông Bí, hiện thành phố đang triển khai 5 công trình đầu tư, quản lý theo mô hình đối tác “công - tư”. Trong đó: Công trình Công viên Sinh viên áp dụng phương thức quản lý và đầu tư “Đầu tư công, tư - Quản lý tư”; công trình Trung tâm thương mại và thể thao áp dụng phương thức “Đầu tư tư - Quản lý tư”; công trình Khu dịch vụ và bến xe Yên Tử áp dụng phương thức “Lãnh đạo công - Quản trị tư”. Hai công trình chợ Lán Tháp (Vàng Danh) và Khu vui chơi thanh thiếu nhi thành phố áp dụng phương thức “Đầu tư công - Quản lý tư”. Cũng giống như Uông Bí, TP Móng Cái cũng đang tích cực xúc tiến việc đầu tư các dự án theo mô hình công - tư để nâng cao hiệu quả các dự án đã được đầu tư trên địa bàn. Công trình Cụm cổ động Sa Vĩ là một ví dụ, công trình này được TP Móng Cái cấp phép cho Công ty TNHH Trí Lực - một doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, khai thác du lịch theo mô hình hợp tác “đầu tư công - quản lý tư” từ tháng 5-2014. Hiện Công ty TNHH Trí Lực đang xây dựng lộ trình khai thác, kinh doanh tại điểm du lịch này và kỳ vọng sẽ có những kết quả khởi sắc trong thời gian không xa…
Ngoài ra, còn nhiều công trình khác như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Quảng trường 30-10, Công viên văn hoá Hạ Long, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ninh, thu phí và một số dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, hệ thống các công trình cấp nước tập trung thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn… cũng đang được các đơn vị được giao trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện.
Việc triển khai các mô hình trên địa bàn tỉnh đang còn ở những bước đầu nên không tránh khỏi sự lúng túng nhất định, nhưng có thể khẳng định việc mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng các mô hình đầu tư và quản lý theo hình thức đối tác công - tư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chắc hẳn mô hình sẽ thành công, qua đó thu hút không chỉ nguồn vốn mà còn là trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiệu quả của khu vực tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.
Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là một khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam nhưng cũng mới được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành trong cả nước như Bình Dương, Đà Nẵng... Đặc biệt, hình thức này được quy định rõ nhất tại Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là cơ hội để các tỉnh, thành phát triển kinh tế trong điều kiện ngân sách hạn chế và là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới. |
Minh Thu - Phương Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()