Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:49 (GMT +7)
Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh cá thể
Thứ 2, 28/10/2024 | 17:13:06 [GMT +7] A A
Có số lượng lớn và vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội.…
Trong thời đại nền kinh tế số phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp dân cư thì hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phát triển nhanh chóng. Không chỉ hoạt động theo mô hình truyền thống (có cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm kinh doanh cố định, chủ hộ kinh doanh thường là các hộ gia đình, hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi cư trú của cá nhân), loại hình dịch vụ này còn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh mới như: thương mại, hợp tác kinh doanh với tổ chức, kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số xuyên biên giới,…
Chính vì vậy, chính sách thuế cũng như quản lý thuế cần có những sửa đổi, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và đáp ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, ngành thuế đã đề xuất, tham mưu trình Bộ, trình Chính phủ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thống kê sơ bộ cho thấy, số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh các tháng đầu năm 2024 ước số lũy kế là 25.750 tỷ đồng, bằng 119% số thu cùng kỳ năm 2023 (21.639 tỷ đồng).
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện cải cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá nhân nhằm giảm dần sự khác biệt giữa chính sách thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó,ngành thuế đã đề xuất, tham mưu trình sửa đổi về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm dần sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Đó là tăng cường thu thuế tại nguồn đối với các mô hình kinh doanh của cá nhân có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cắt giảm thủ tục hành chính, tăng tính tuân thủ, công khai minh bạch; quy định cụ thể về trách nhiệm khai thay, nộp thay đối với mô hình cá nhân hợp tác kinh doanh (mô hình Grab); đối với tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài khi chi trả thu nhập từ sản phẩm dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân.
Đáng lưu ý, phải phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn phải nộp thuế theo phương pháp kê khai và thực hiện chế độ kế toán, không áp dụng thuế khoán. Đây là nội dung sửa đổi rất căn bản tại Luật Quản lý thuế nhằm giảm dần sự khác biệt trong quản lý thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Việc quy định hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai cũng sẽ áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tương tự như doanh nghiệp. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, cá nhân kinh doanh không thường xuyên nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì phải sử dụng hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh. Đối với các hộ kinh doanh trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với mô hình có hình thức hoạt động 24/7, tần suất sử dụng hóa đơn lớn.
Song song với các thay đổi về chính sách quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều chương trình trọng tâm về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tổng cục Thuế thường xuyên chỉ đạo các cục thuế tổ chức rà soát toàn bộ việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để tránh bỏ sót hộ, rà soát doanh thu, mức thuế đảm bảo sát thực tế; triển khai bản đồ số hộ kinh doanh;xây dựng và triển khai 4 chuyên đề quản lý thuế, chống thất thu đối với hộ kinh doanh, đối với hoạt động cho thuê nhà, đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế đêm, đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm chăn nuôi. Đáng lưu ý là việc triển khai rà soát kinh doanh thương mại điện tử:Theo đó Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ; hướng dẫn cục Thuế về việc tổ chức triển khai quy định mới, yêu cầu các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin; hướng dẫn Cục Thuế về việc tiếp nhận, khai thác và sử dụng thông tin do sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin; tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đối với việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, Tổng cục Thuế đã triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý, chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả các nhiệm vụ triển khai giải pháp. Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong đó có nội dung về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để đảm bảo cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Đối với hộ kinh doanh thì việc quản lý doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh nộp thuế khoán còn chưa sát thực tế; hộ kê khai xuất hóa đơn cho các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp để hợp lý hóa chi phí; đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử còn chưa đầy đủ để định danh được toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, chưa kiểm soát được đầy đủ các giao dịch, quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa thống nhất do chưa có quy định cụ thể; qua công tác kiểm tra nội bộ phát hiện cán bộ thuế còn những sai sót, vi phạm trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh….
Để công tác công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; chống gian lận, trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan thuế các cấp đã tìm mọi giải pháp đánh giá các bất cập từ thực tiễn về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để đưa ra phương thức mới trong quản lý hộ kinh doanh phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, hỗ trợ cơ quan Thuế, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()