Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 13:04 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn
Thứ 7, 28/10/2023 | 15:16:55 [GMT +7] A A
Rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Trong đó, đối với lợi ích kinh tế là mang lại doanh thu, lợi nhuận cao do sản lượng, chất lượng đạt cao, được giá, trong quá trình trồng rừng còn tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc, giảm sâu bệnh...
Theo tính toán, những cánh rừng gỗ lớn cho sản lượng gỗ trung bình đạt 120-150m3/ha, đủ tiêu chuẩn để làm nguyên liệu đồ mộc, với mức giá thu mua là 2,4 triệu đồng/m3, tăng gấp đôi so với trồng rừng gỗ nhỏ. Cùng với lợi ích kinh tế, rừng gỗ lớn còn hạn chế suy thoái đất, giữ nguồn nước, tạo ra lượng ô xy cung ứng cho nhu cầu đời sống con người.
Quảng Ninh hiện có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%. Xác định mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, ngay từ sớm, tỉnh đã chú trọng khuyến khích trồng các giống cây bản địa hoặc đạt thời gian trồng trên 10 năm trở lên đối với các loài cây mọc nhanh.
Giai đoạn trước năm 2000, Quảng Ninh khuyến khích trồng rừng gỗ lớn thông qua Chương trình trồng rừng 327 (chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc), Chương trình trồng rừng 661 (dự án trồng mới 5 triệu ha rừng), Chương trình trồng rừng Việt - Đức, các chương trình trồng rừng bằng vốn viện trợ nước ngoài khác, hoặc từ vốn của các tổ chức, cá nhân... Nhiều cánh rừng thông nhựa, thông mã vĩ, thông elliotti, sồi phảng, sao hải nam, sa mộc, lim xanh, dẻ bốp, trám, hồi... đã được hình thành từ những chương trình trồng rừng này.
Kể từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Đến nay, toàn tỉnh trồng mới trên 7.000ha cây bản địa, chiếm 14% rừng sản xuất, trong đó đến hết tháng 8/2023 toàn tỉnh trồng được trên 3.357ha lim, giổi, lát. Riêng tại huyện Ba Chẽ, hơn 800 hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.292ha. TP Hạ Long có 1.016 hộ gia đình, cá nhân trồng cây bản địa với tổng diện tích 1.656,2ha. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 560ha rừng ngập mặn, nâng tổng số rừng ngập mặn thành hơn 19.000ha, cao nhất trong các tỉnh, thành phía Bắc.
Ngoài các chương trình, dự án trồng rừng gỗ lớn nói trên, tại Quảng Ninh cũng đã có nhiều dự án khác đã triển khai trồng rừng bằng nhiều loài cây bản địa khác nhau. Điển hình như tại TP Uông Bí, Trạm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Miếu Trắng đã xây dựng nhiều mô hình rừng trồng các loài cây bản địa; TP Hạ Long thông qua các dự án phát triển giống cây lâm nghiệp ở vùng Đông Bắc cũng đã xây dựng được nhiều mô hình rừng giống và vườn giống bằng các loài cây bản địa; TP Cẩm Phả phát triển mô hình rừng trồng cây sồi phảng đến nay đã được 28 năm tuổi. Cùng với đó, các khu vực có rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Bái Tử Long hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng cũng đã xây dựng được một số mô hình rừng trồng bằng các loài cây bản địa từ năm 2010, đến nay các mô hình vẫn đang sinh trưởng phát triển bình thường.
Cùng với việc trồng rừng bản địa, tỉnh khuyến khích chuyển hoá rừng keo gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn, tức thu hoạch ở lứa tuổi trên 10 năm trồng... Đến thời điểm này, diện tích rừng keo chuyển hoá đạt được khoảng trên 10.000ha.
Như vậy hiện tổng diện tích rừng trồng cây bản địa toàn tỉnh đạt khoảng 50.000ha, chiếm trên 20% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh, trong đó cây thông (thông nhựa, thông mã vĩ, thông caribe) có diện tích lớn nhất, lên tới gần 36.500ha, tiếp đến là các loại sa mộc với 1.960ha, rừng bản địa hỗn giao giữa phi lao với thông, hoặc sa mộc với loài khác là 3.740ha, diện tích rừng quế là gần 7.300ha... Với những chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững rất thiết thực như hiện nay, những cánh rừng gỗ lớn kỳ vọng sẽ được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xã hội của rừng.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()