Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 13:31 (GMT +7)
Dạy thêm, học thêm
Thứ 6, 30/12/2011 | 05:25:28 [GMT +7] A A
Trước tiên, cần phải khẳng định việc này đã trở thành một nhu cầu trong đời sống. Cũng chính từ thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm. Song, sẽ không có gì đáng bàn nếu việc dạy thêm, học thêm được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích nâng cao chất lượng giáo dục.
Không ít các bậc phụ huynh xem việc cho con đi học thêm như một hình thức lấy lòng thầy cô và cũng là để có chỗ quản lý. Có những giáo viên lấy việc dạy thêm để “đo” học lực của học sinh. Những tiêu cực, bất cập ấy đã gây ra không ít hệ lụy.
Để tăng cường quản lý và chấn chỉnh hoạt động này, ngày 20-12-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị 09/CT-TU; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch (số 5255/KH-UBND) thực hiện. Quan điểm và chỉ đạo của tỉnh được thể hiện rất rõ trong các văn bản nêu trên. Đó là, chỉ tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường với các hình thức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh. Chỉ các giáo viên nghỉ hưu, sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm mới được mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông sau khi đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Thay cho việc một mình ngành Giáo dục tự quản lý hoạt động này thì nay vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẳng định rất rõ nét. Chỉ thị 09 yêu cầu: Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo UBND cùng cấp tăng cường công tác lãnh đạo; đồng thời huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc để quản lý, giám sát. Bí thư cấp ủy các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy nếu trên địa bàn xảy ra hiện tượng dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Với điểm gặp chung là nâng cao chất lượng giáo dục, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân và các phụ huynh học sinh trong việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm chắc chắn nhân đôi lợi ích.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()