Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 04:16 (GMT +7)
Để Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối vùng
Thứ 5, 22/12/2022 | 06:08:17 [GMT +7] A A
Thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung khai thác, phát huy tốt nội lực, đồng thời tăng cường thúc đẩy, khai thác hợp tác liên kết vùng. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải. Quảng Ninh trên tiến trình trở thành trung tâm kết nối quan trọng của vùng và khu vực.
Từ trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tháng 7 vừa qua, Quảng Ninh cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng. Đây là sáng kiến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ TP Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đây là liên kết kinh tế mạnh góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung.
Tham gia chuỗi kinh tế liên kết với vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại, hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với thị trường Trung Quốc… tỉnh Quảng Ninh là cầu nối với TP Hải Phòng có lợi về hệ thống cảng biển và logistics, với TP Hải Dương có thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo và với tỉnh Hưng Yên có lợi thế đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận tốt hơn với thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc. Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các KCN, chuỗi sản xuất và cung ứng đồng bộ, cơ hội cùng lôi kéo các địa phương trong khu vực cùng phát triển, tăng tốc và bứt phá bằng các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực.
Không chỉ tham gia vào trục cao tốc phía Đông, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh gồm các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng. Trong đó, tháng 12 này, dự kiến tỉnh khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang. Phía tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ hoàn thành 9km đường nối này trên địa bàn huyện Đình Lập. Tương tự, TP Bắc Giang triển khai 13km nối vào huyện Sơn Động... Đây là công trình giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực mới trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại.
Đóng góp vào quá trình này, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển. Tỉnh đã tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
Cụ thể, tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cho tuyến hành lang Đông - Tây. Từ năm 2014, khi thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, tỉnh đã báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thành lập KKT ven biển Quảng Yên với cơ chế, chính sách tương đương KKT Đình Vũ - Cát Hải (TP Hải Phòng). Cùng với tuyến cao tốc này, tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều được nghiên cứu, thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc cầu Bạch Đằng - Móng Cái, trong đó Vân Đồn, Móng Cái sẽ là hai mũi đột phá quan trọng với nhiều cơ chế đặc thù của KKT.
Có thể thấy, sự nhất quán trong mục tiêu phát triển của tỉnh với các định hướng bài bản, rõ nét đã giúp hình thành nên nhiều lợi thế so sánh nổi trội, như: Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt; có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; dẫn đầu về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính... Các yếu tố này đã tạo dựng được nền móng vững chắc, giúp Quảng Ninh xây dựng chiến lược dài hạn để tập trung nguồn lực một cách trọng tâm, trọng điểm và trở thành trung tâm kết nối vùng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()