Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:35 (GMT +7)
Đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất và có phụ cấp ưu đãi nghề
Thứ 4, 25/09/2024 | 13:32:07 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật”.
Sáng 25/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Quy định chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kết quả đánh giá, tổng kết thực trạng thi hành pháp luật về nhà giáo những năm qua cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp còn tồn tại những bất cập, cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết.
Dự án Luật Nhà giáo đã xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Theo đó, quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”.
“Dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Việc này nhằm giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...
Dự thảo Luật cũng quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, để bảo đảm nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”.
Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo, dự thảo Luật quy định riêng giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 (năm) năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non (hiện đã có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh điều kiện lao động của giáo viên mầm non nằm trong các chỉ số nghề “nặng nhọc”).
Cần có chế độ đãi ngộ, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục
Cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, vị thế nhà giáo và việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất của Luật này với với các luật liên quan đang điều chỉnh đối tượng nhà giáo; nội luật hóa các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết.
Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. "Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.
Thường trực Ủy ban cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, song cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Có ý kiến đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu hút để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường nêu rõ việc cải cách tiền lương cho nhà giáo là rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu, rà soát để linh hoạt hơn khi triển khai. Theo đó, có thể nghiên cứu theo hướng có chế độ đãi ngộ, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục, tránh tình trạng "sống lâu thành lão làng", trong khi những người giỏi vào ngành giáo dục sau thì không có chính sách khuyến khích.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()