Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:21 (GMT +7)
“Điểm tựa” của người khó khăn ở Đầm Hà
Thứ 7, 15/10/2022 | 07:22:19 [GMT +7] A A
Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang là “điểm tựa” giúp hàng trăm lượt hộ dân khó khăn ở Đầm Hà cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, tỉnh và của huyện đã được Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà truyền tải đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần không nhỏ giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên; thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện Đầm Hà đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin giúp người dân và các cấp, các ngành nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, cũng như về hoạt động của Ngân hàng CSXH...
Để quản lý hiệu quả ngồn vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể như Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên thực hiện phương thức cho vay ủy thác, thông qua 109 tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó rà soát, nắm bắt được nhu cầu, đối tượng vay vốn, thực hiện bình xét hộ vay theo nguyên tắc dân chủ, công khai, vốn được giải ngân trực tiếp đến người vay, đồng thời các tổ chức hội, đoàn thể quản lý, giám sát, hướng dẫn quá trình sử dụng vốn vay của các hộ gia đình, tư vấn cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Hiện tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà là 265.108 triệu đồng, với 3.847 khách hàng đang vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.
Trước đây gia đình anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) chủ yếu là nuôi và phát triển ngan sao Đại Bình. Thời gian gần đây nhận thấy thị trường đang ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư xây dựng khu trồng dưa lưới công nghệ cao. Năm 2019, anh Đô đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới. Thấy được hiệu quả hướng đi này, anh vận động các hộ gia đình thành lập HTX sản xuất hữu cơ Thành Đạt. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn, HTX Thành Đạt đã đầu tư thêm nhà màng, mở rộng diện tích trồng dưa lên đến 7.000m2. Trồng dưa lưới trong nhà màng đang là hướng đi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Từ năm 2002 đến nay, từ nguồn vốn này đã giúp cho 14.503 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 6.055 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3.376 lao động, giúp cho 2.795 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 8.023 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 567 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, khẳng định mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới đó là chung tay, đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()