Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 04:13 (GMT +7)
Điều gì xảy ra khi ngủ quá nhiều?
Thứ 2, 24/06/2024 | 11:18:31 [GMT +7] A A
Ngủ đủ giấc mỗi ngày là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe. Ngủ quá ít sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, nhan sắc, nhưng ngủ quá nhiều trong thời gian dài cũng gây ra tác hại không kém.
Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể suy yếu, mệt mỏi, suy giảm nhận thức và dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng không tốt vì sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể.
Tùy theo độ tuổi, giới tính, thể trạng của mỗi người mà nhu cầu về thời gian ngủ là khác nhau. Tuy nhiên, trung bình ở người trưởng thành, cần ngủ khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày.
Nhiều hệ lụy
Bác sĩ Đinh Minh Trí (Trường Đại học Y dược TP HCM) cho biết, ngủ quá nhiều không khiến cơ thể khỏe mạnh mà còn gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe nên cần chú ý.
- Dễ mắc bệnh tim mạch: Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được lý do giải thích mối liên hệ giữa ngủ quá nhiều và bệnh tim mạch, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng những người ngủ từ 9 - 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim do xơ cứng động mạch cao hơn. Ngược lại, những người ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.
- Cân nặng tăng: Theo nghiên cứu khoa học, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày có xu hướng tăng cân nhanh hơn và dễ bị béo phì hơn. Tương tự, những người ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày cũng dễ bị tăng cân.
Ngược lại, những người ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày có xu hướng dễ dàng duy trì cân nặng khỏe mạnh hơn. Vì vậy, ngoài việc tập thể dục và ăn kiêng thì ngủ đủ giấc rất quan trọng để kiểm soát cân nặng.
- Tần suất mắc bệnh có thể tăng lên: Ngủ quá nhiều có thể gây ra những tác động bất lợi cho hệ thống miễn dịch, bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm gia tăng trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ cytokine trong máu, với số lượng cao hơn cho thấy phản ứng với nhiễm trùng. Phụ nữ ngủ quá nhiều có nồng độ cytokine cao hơn 44%.
- Khó tập trung: Ngủ quá nhiều cũng làm suy yếu kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề nhanh chóng, đồng thời làm suy giảm chức năng bộ nhớ. Do đó, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày là điều cần thiết để duy trì sức khỏe nhận thức.
Thói quen ngủ gây bệnh tim mạch cần tránh
Theo ThS Nguyễn Xuân Tuấn (giảng viên Trường ĐH Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội), giấc ngủ chất lượng rất quan trọng, bởi một số thói quen ngủ có thể tác động tiêu cực đến tim mạch.
- Chất lượng giấc ngủ kém: Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc ngủ ít hơn trong tuần, nhiều vào cuối tuần làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể. Mỗi người nên thiết lập lịch trình ngủ nhất quán, thời gian khuyến nghị là 7-8 giờ mỗi đêm.
Thường xuyên thiếu ngủ góp phần làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến tim, bao gồm cao huyết áp, tăng căng thẳng cho hệ tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng tim tổng thể. Vì vậy, cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ mỗi đêm.
Tư thế ngủ không phù hợp: Nằm sấp có thể gây áp lực lên tim, phổi, dẫn đến máu và oxy khó lưu thông hơn bình thường. Ngủ ở tư thế này còn khiến cổ hoặc lưng bị căng.
Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường thở tắc nghẽn liên tục, gây ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn. Tình trạng này có thể do một số vấn đề sức khỏe nhất định gây ra như béo phì, suy tim. Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến lượng oxy mà cơ thể nhận được, làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đau tim, đột quỵ...
- Ngáy quá mức: Ngáy quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và dẫn đến huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Ngáy có thể là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ. Huyết áp cao do ngưng thở khi ngủ có khả năng gây hại cho tim.
- Dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ: Sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay xem TV có khả năng làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể. Ánh sáng xanh mà các thiết bị điện tử phát ra còn ảnh hưởng đến hormone kiểm soát giấc ngủ melatonin.
Tránh sử dụng các thiết bị này ít nhất một giờ trước khi lên giường giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()