Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:05 (GMT +7)
Định hình không gian phát triển bền vững
Thứ 6, 12/09/2014 | 10:53:00 [GMT +7] A A
Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2020, sẽ trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp, với mức phát triển chung tương đương mức hiện tại của các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2030, trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu này không gian phát triển của Quảng Ninh đã được cụ thể hoá trong các Quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành, địa phương tạo sự liên kết đồng bộ, bền vững.
Ngày 26-7-2014, tới thăm Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Cẩm Phả), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng trước kết quả đạt được của 2 Dự án nhà máy nhiệt điện. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, công nhân Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Ảnh: Ngọc Hà |
“Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”
Với vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị chiến lược trong vùng Đông Bắc của đất nước, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xem là một trong ba đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế vùng. Khác với 2 đầu tàu kia, Quảng Ninh với đặc thù của tỉnh vùng biên nên có lợi thế phát triển dịch vụ thương mại và vận tải giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Trong tương lai, khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (CHAFTA) được thực hiện vào năm 2015, Quảng Ninh sẽ là nơi đa dạng hoá các nguồn tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, như cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho Quảng Tây, xây dựng các trung tâm sản xuất chế biến tại Móng Cái, nâng cấp hạ tầng giải trí và du lịch và có thể cung cấp cả dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng ĐBSH, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không gian lãnh thổ Quảng Ninh được định hình theo hướng phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”. Trong đó, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là cánh Tây và cánh Đông, hai điểm đột phá là Vân Đồn và Móng Cái. Tâm Hạ Long sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của tỉnh để xứng tầm là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế trong tương lai, trở thành một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Cánh Tây, gồm Ba Chẽ, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều tiếp tục phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội và Hải Phòng, phát triển các ngành công nghiệp xanh và du lịch dựa trên truyền thống văn hoá và lịch sử phong phú của vùng. Cánh Đông gồm Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, trong cánh Đông này có 2 tâm điểm phát triển đột phá là Vân Đồn và Móng Cái. Với Vân Đồn sẽ phát triển theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài từ 3-5 năm để đẩy nhanh phát triển du lịch, thành lập vùng thực phẩm và nâng cấp hạ tầng giao thông; giai đoạn 2 áp dụng tiêu chuẩn cao trong quá trình thực hiện như đầu tư thành công một số khu nghỉ dưỡng tổng hợp (cùng hệ thống sòng bạc, công viên giải trí và các trung tâm mua sắm) và thu hút được phân khúc du khách phù hợp. Đối với KKT cửa khẩu Móng Cái nằm giáp với TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), mới đây đã được Chính phủ Trung Quốc tuyên bố là “khu khai phát trọng điểm” phục vụ cho việc xây dựng một khu hợp tác kinh tế biên giới. Vì vậy TP Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái sẽ đóng vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội trong toàn khu công nghiệp và sẽ được ưu tiên phát triển.
Mở tầm liên kết vùng
Song cùng với việc định hình mục tiêu, không gian phát triển, tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện việc lập Quy hoạch vùng tỉnh dưới sự tư vấn của Tập đoàn Nik… với không gian phát triển được đặt trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế, gắn kết chặt chẽ và hài hoà giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Duyên hải Bắc Bộ, Vùng biên giới Việt - Trung, Khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung. Theo quy hoạch vùng tỉnh không gian phát triển của 5 tiểu vùng trên địa bàn không chỉ có sự liên kết, bổ trợ nhau trong nội vùng, ngoại vùng mà còn có sự liên kết rất mạnh mẽ đối với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực ở các tỉnh, thành phố trong khu vực. Như KKT Vân Đồn sẽ là khu vực phát triển năng động, hiện đại, tạo hiệu ứng lan toả cho vùng và cả nước, trở thành thành phố biển quốc tế văn minh, hiện đại, trung tâm công nghệ giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và cửa ngõ giao thương quốc tế. Huyện Tiên Yên sẽ là cửa ngõ ra biển của tỉnh Lạng Sơn với cụm cảng Mũi Chùa, trung tâm chế biến, logistic phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp khu vực. TX Quảng Yên sẽ liên kết khu công viên thông minh, cảng Tiền Phong - khu CN Đầm Nhà Mạc với khu cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng)...
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch, định hướng về tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” đã được cụ thể rất rõ trong định hướng phát triển 3 vùng gồm TP Hạ Long mang tầm vóc quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn với các đặc trưng riêng, năng động, phát triển thành các vùng động lực, đem lại phát triển kinh tế xanh, chú trọng phát triển du lịch - dịch vụ - tài chính - thương mại. Khu vực ven biển được định hướng tạo thành một công trình cảnh quan quy mô lớn để phát triển, khai thác phục vụ du lịch và quốc phòng an ninh, các điểm cửa ngõ của tỉnh được xây dựng tạo thành các khu vực kết nối cả về không gian và kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh và các khu vực lân cận, đặc biệt quan trọng là kết nối với TP Hải Phòng và TP Đông Hưng - Phòng Thành (Trung Quốc). Đặc biệt hệ thống kết cấu hạ tầng cũng được định hình trong tầm nhìn liên kết vùng và mang tính đột phá như: Sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, đường sắt Monorail kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết giữa cảng Tiền Phong - khu Đầm Nhà Mạc với khu cảng Lạch Huyện - Hải Phòng, hầm ngầm dưới đáy Vịnh Hạ Long... Cũng theo nhận định của các chuyên gia thì đây là các công trình đột phá, tiên quyết, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.
Định hình không gian phát triển bền vững đến năm 2030 Quảng Ninh không chỉ vươn lên tầm cao mới mà còn khẳng định bước đột phá cho vùng đất trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.
Ngọc Lan
* Đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Quảng Ninh đã có bước chuyển đổi về chất trong công tác lập quy hoạch Từ trước đến nay các quy hoạch của tỉnh đều do các đơn vị tư vấn trong nước lập, vì vậy tầm nhìn chưa được phủ rộng, cũng chưa có được cách làm đột phá. Chính vì vậy từ năm 2012 được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm lập các quy hoạch chiến lược của tỉnh như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch nguồn nhân lực, du lịch, môi trường. Quy hoạch các địa phương cũng đều được lập dưới sự tham gia tư vấn hoặc phản biện của các tư vấn nước ngoài. Điển hình như với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tỉnh không khoán gọn cho đơn vị tư vấn lập và bàn giao sản phẩm mà trong quá trình triển khai lập quy hoạch này có sự tham gia rất chặt chẽ, từng bước của các chuyên gia các sở, ngành của tỉnh. Chính vì vậy quy hoạch được lập đảm bảo các yêu cầu về tầm nhìn, tính khả thi, sự tiếp nhận và triển khai quy hoạch đó. Đây chính là nền tảng, xương sống để các quy hoạch vùng, ngành, địa phương bám vào triển khai từng giải pháp thành phần hiệu quả nhất. So với các địa phương trong cả nước, công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch của Quảng Ninh trong thời gian gần đây khẳng định bước chuyển đổi về chất rất căn bản, có thể coi đây là một kinh nghiệm quý. * Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng: Không gian phát triển các vùng trong tỉnh phá bỏ được ngăn cách về địa giới hành chính Có thể khẳng định đồ án Quy hoạch vùng tỉnh đã được thực hiện với sự nghiên cứu khoa học, sâu sắc và hiểu rất rõ về hiện trạng để đề xuất định hướng phát triển không gian vùng của Quảng Ninh đảm bảo sự phát triển bền vững. Bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu mới, khoa học, bài bản, kết hợp đan xen nghiên cứu không gian kinh tế và không gian xây dựng để phát triển hợp nhất thành một không gian phát triển đầy tính khả thi. Đây là lần đầu tiên không gian phát triển các vùng trong tỉnh phá bỏ được ngăn cách về địa giới hành chính, đưa ra các khái niệm mới về các vùng phát triển và các chuỗi phát triển, các vùng bảo tồn, các vùng hỗ trợ, tạo ra các không gian phát triển tương hỗ; sử dụng hiệu quả các quỹ đất và các hệ thống hạ tầng đầu mối. Điều đặc biệt hệ thống đô thị của Quảng Ninh có định hướng phát triển rất khác biệt, có tính đặc thù, phát triển mạnh theo mô hình tuyến tính, dọc hơn 200km bờ biển. Điều này trên thế giới chỉ có một vài vùng đô thị tuyến tính như vùng đô thị Solimata (Tây Ban Nha), vùng đô thị Tokaido (Nhật Bản), vùng đô thị NewYork - Wasington (Mỹ) hoạch định được. Sự phát triển bền vững của một địa bàn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và với Quy hoạch vùng tỉnh này chúng ta đã có được “gậy” chỉ đường để đi đến đích của sự phát triển bền vững. * Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh là cụ thể hoá Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam Môi trường hiện nay đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ Việt Nam mà là cả thế giới. Trong định hướng phát triển tổng thể của tỉnh trên mọi lĩnh vực về kinh tế - xã hội sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Do đó, Quy hoạch môi trường sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết đảm bảo mục tiêu “Đến năm 2020 Quảng Ninh sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam”. Trong giai đoạn 2014-2020, quy hoạch tập trung vào các giải pháp: Xây dựng quy chế quản lý, giám sát việc thực hiện đối với các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, xây dựng chương trình phát triển năng lực cho các cán bộ, nhân viên quản lý môi trường tỉnh. Đặc biệt xúc tiến các hoạt động giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào các nội dung: Thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R), giới thiệu mô hình SATOYAM... Riêng trong giai đoạn 2021-2030, sẽ đánh giá tính hiệu quả khi áp dụng các tiêu chuẩn mới; thực hiện các hoạt động kiểm soát ô nhiễm dựa trên những tiêu chuẩn mới... |
Liên kết website
Ý kiến ()