Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:10 (GMT +7)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH
Thứ 6, 21/11/2014 | 17:13:19 [GMT +7] A A
Ngày 19-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải; sau đó là đối với Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; buổi chiều là phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH. |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH
Đối với Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề cập đến tình trạng hàng vạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm, trong khi đó lao động nước ngoài không có trình độ, không có chuyên môn kỹ thuật cao, trong số đó có cả những trường hợp vi phạm pháp luật nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau nhưng chưa quản lý được. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đặt câu hỏi: Lao động nước ngoài ở Việt Nam có thể được chấp nhận ở những ngành nghề, lĩnh vực nào và cách thức quản lý đối tượng này ra sao?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Ngoài những lao động vào làm việc tại Việt Nam theo Nghị định của Chính phủ cũng có những lao động không có chuyên môn, nghiệp vụ được một số doanh nghiệp sử dụng; phần đông trong số này là lao động Trung Quốc, đi theo con đường du lịch. Hiện có khoảng 78.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, phần đông là lao động kỹ thuật, còn lại là lao động không có kỹ thuật, chủ yếu là của Trung Quốc.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với các ngành liên quan, trong đó cùng với Bộ Công an kiểm tra các đối tượng lao động phổ thông là người nước ngoài ở Việt Nam, phát hiện và trục xuất theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ LĐ,TB&XH cũng yêu cầu chủ sử dụng lao động công bố công khai nhu cầu tuyển dụng lao động rộng rãi.
“Theo quy định, nếu sau bao nhiêu ngày thông báo tuyển dụng lao động mà không tuyển được lao động trong nước thì đơn vị tuyển dụng có quyền đưa lao động của họ vào để đáp ứng yêu cầu tiến độ của công trình”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm.
Về việc quản lý trực tiếp người lao động nước ngoài cũng như cấp phép lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết vấn đề này được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.
Chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Thượng toạ Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) nhận xét: Nền kinh tế đang trên đà phát triển bền vững, cử tri tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đồng bào các dân tộc và tôn giáo cả nước sẽ quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ.
Thượng toạ cho biết, sống phúc âm trong lòng dân tộc, nhưng cả dân tộc nói hoặc không nói ra, người dân đều thấm thía cái giá của hoà bình, ổn định. Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết của toàn Đảng, toàn dân là một tín hiệu rất tốt cho vượng khí của nước nhà, song cử tri muốn được nghe trực tiếp từ Thủ tướng “Mong Thủ tướng cho biết quan điểm của Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất, đầy đủ nhất”?
Giải đáp vấn đề mà Thượng toạ Thích Thanh Quyết nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam luôn phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán.
“Trong Hiến pháp mới đã thể hiện toàn bộ đường lối đối ngoại, được nêu tại điều 12 của Hiến pháp, đó là cùng hợp tác phát triển, tôn trọng chủ quyền, bình đẳng trên cơ sở các bên cùng có lợi. Tôn trọng các cam kết quốc tế, hợp tác vì lợi ích quốc gia dân tộc, đóng góp cho hoà bình hữu nghị của thế giới.
Đối với chúng ta, dù mưa bão hay lũ lụt thì chúng ta với Trung Quốc vẫn là láng giềng. Chúng ta mong muốn Việt Nam và Trung Quốc mãi mãi chân thành hợp tác để cùng hoà bình, cùng phát triển. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về vấn đề lãnh thổ, biên giới theo đúng cam kết quốc tế. Chúng ta mong muốn như thế và chúng ta làm hết sức mình như thế để giải quyết thoả đáng những tranh chấp giữa hai bên” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trước đề nghị phát biểu một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ nhất của đại biểu, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề khó “tuy nhiên, tôi xin trình bày khái quát bằng 6 chữ: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, không chỉ riêng với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hoà bình, ổn định. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để cùng có lợi. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để phát triển thịnh vượng. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước” - Thủ tướng cho biết.
Nguyễn Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()