Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:34 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)
Thứ 3, 27/05/2014 | 07:30:20 [GMT +7] A A
Sáng 26-5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); các báo cáo của Ủy ban Kinh tế về thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Tham gia phát biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Trần Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Đại biểu Trần Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát biểu. |
Về đối tượng áp dụng (Điều 2), đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức tín dụng, hoặc bỏ chương VIII và để lại cho Luật các tổ chức tín dụng điều chỉnh về việc phá sản tổ chức tín dụng.
Tại Khoản 2 Điều 3 về áp dụng Luật Phá sản quy định: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật phá sản và quy định của luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật phá sản”. Đại biểu đề nghị cần phải xem xét, bổ sung quy định, viết lại lại khoản này để chặt chẽ, rõ hơn: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Phá sản và quy định của luật khác về cùng một vấn đề, nếu vấn đề đó thuộc diện điều chỉnh của Luật Phá sản thì áp dụng quy định của Luật Phá sản” .
Liên quan đến Khoản 1 Điều 4, đại biểu cho rằng, hiện tại chỉ mới đề cập đến tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã “Mất khả năng thanh toán” và tại Khoản 2, Khoản 3 trong Điều 42 quy định về việc Tòa án nhân dân xem xét mở thủ tục phá sản trong các trường hợp có chứng cứ về việc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trong thực tế do nhiều nguyên nhân, kể cả do việc chiếm dụng vốn lẫn nhau thì đa phần các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện nay đều mất khả năng thanh toán với nghĩa nếu chỉ căn cứ vào tình trạng: không thanh toán được nợ đến hạn (như quy định tại Khoản 1 Điều 4); không thanh toán, trì hoãn không thanh toán khoản nợ đến hạn (như quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 42); tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn (như quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 42); Hiện nay nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ mất khả năng thanh toán tạm thời hoặc việc trì hoãn trả nợ đến hạn trong nhiều trường hợp không phải vì lý do mất khả năng thanh toán. Do vậy, nếu chỉ dừng lại ở các quy định nêu trên để cho phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét mở thủ tục phá sản thì sẽ gây nhiều khó khăn, phiền toái cho cả doanh nghiệp, hợp tác xã lẫn Tòa án nhân dân, kể cả không tránh khỏi việc lợi dụng quy định thiếu chặt chẽ này để gây khó khăn, thậm chí gây hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi Khoản 1 Điều này như sau: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán lâm vào tình trạng phá sản là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được nợ đến hạn theo yêu cầu của các chủ nợ do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không có khả năng khắc phục được”. Quy định như vậy vừa chặt chẽ, rõ nguyên nhân, vừa để phân biệt với tình trạng mất khả năng thanh toán, không trả được nợ do các nguyên nhân khác không thuộc “tình trạng phá sản” như cố ý không trả nợ, khó khăn tài chính tạm thời, lạm dụng vay nợ rồi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ…
Đại biểu đề nghị giao Chính phủ cụ thể hóa các tiêu chí về “không trả được nợ đến hạn theo yêu cầu của các chủ nợ” vì “mất khả năng thanh toán” do “bị thua lỗ” triền miên, kéo dài hoặc lỗ nặng và “không có khả năng khắc phục được” của“tình trạng phá sản” nêu trên phù hợp với từng loại doanh nghiệp, hợp tác xã trong từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và trong từng thời kỳ. Các tiêu chí này đồng thời cũng là những căn cứ để quy định các vấn đề khác có liên quan.
Về chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản (Điều 22), đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp không đủ lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản theo mức quy định.
Đối với Điều 42 về quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, đề nghị sửa đổi, bổ sung câu đầu của Khoản 5: “Toà án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy điều này doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán chưa lâm vào tình trạng trạng phá sản hoặc không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mở thủ tục phá sản theo quy định...”.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()