Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 10:18 (GMT +7)
Doanh nhân tiên phong trong ngành cơ khí chế tạo
Chủ nhật, 18/09/2022 | 10:41:05 [GMT +7] A A
Ở Quảng Ninh, khi nhắc đến kỹ sư Phạm Thạnh, người ta không chỉ biết đến ông là một doanh nhân tiên phong trong việc phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, thành danh trong lĩnh vực cơ khí, mà còn bởi ông là người sáng lập CLB doanh nhân Cẩm Phả, tiền thân của Hiệp hội doanh nhân Cẩm Phả ngày nay.
Trong giới doanh nghiệp ở Cẩm Phả nói chung, doanh nghiệp cơ khí nói riêng, người ta cảm phục ông nhiều hơn bởi khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới hiện đại, nhạy bén với thời cuộc.
Ông Thạnh quê ở đảo Hà Nam, TX Quảng Yên. Học xong phổ thông, năm 1960, ông Thạnh theo học ngành cơ khí tại Trường Trung cấp kỹ thuật I Hà Nội, còn gọi là Trường Trung Cao Cơ điện Hà Nội. Năm 1963, cầm tấm bằng trung cấp chế tạo cơ khí, chàng trai Phạm Thạnh được Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay) phân công công tác về mỏ Than Thống Nhất, nay là Công ty Than Thống Nhất.
Với kiến thức và khả năng sáng tạo được tích lũy, chỉ sau một thời gian công tác, ông Thạnh thăng tiến từ công nhân kỹ thuật lên tổ trưởng cơ khí, phó quản đốc rồi quản đốc phân xưởng cơ điện, trưởng phòng vật tư, trưởng phòng đào tạo, hiệu trưởng trường công nhân kỹ thuật.
Ở mỏ Thống Nhất, ông Thạnh luôn thể hiện tinh thần lao động sáng tạo với rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thực hiện tổ chức sản xuất, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế thiết thực. Thời kỳ này, chiếc cẩu đổ đá bãi thải di động trên đường sắt là một đề tài cấp công ty quản lý do ông Thạnh chủ trì thiết kế và chỉ đạo thi công đã ra đời. Chiếc cẩu đó đã thay thế cho hàng trăm lao động thủ công, xóa bỏ vĩnh viễn một khâu lao động nặng nhọc của công nhân nữ đã tồn tại thâm căn cố đế lâu đời ở mỏ từ thời Pháp thuộc.
Quãng thời gian 28 năm say sưa làm việc sáng tạo và tâm huyết trong đội ngũ những người thợ mỏ đã giúp người kỹ sư cơ khí chế tạo máy Phạm Thạnh tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đó thực sự là một trường đại học lớn ông được kinh qua, được trải nghiệm để làm hành trang giúp ông trên con đường phát triển sự nghiệp sau này.
Năm 1991, ông Thạnh lúc đó 49 tuổi đã xin nghỉ hưu sớm để ra làm kinh tế tư nhân, bắt tay ngay vào nghề cơ khí. Với số tiền khởi nghiệp chỉ có vỏn vẹn có 4 chỉ vàng, ông mua lại được một chiếc máy hàn cũ rồi cùng với 2 người bạn hình thành một nhóm gia công sửa chữa cơ khí và thành lập HTX Cơ khí Đông Hà. Nhà xưởng chỉ rộng bằng cái sân. Máy móc cũ kỹ chủ yếu mua lại từ các mỏ than đã thải bỏ, thế nhưng việc làm thì không thiếu. Ông nhận tất các việc lớn bé, từ gia công sửa chữa cơ khí nhỏ, từ cổng cửa đến chiếc xe cải tiến, từ mỏ neo đến miếng vá tàu thuyền, từ chiếc thùng sắt đến gầm bệ xe công nông.
Có nhiều việc làm, thu nhập ổn định hơn, ông bắt đầu nghĩ đến việc phải bổ sung trang thiết bị máy móc để có đủ năng lực sản xuất. Ông Thạnh đã nghiên cứu chế tạo máy đập xít bằng động cơ đốt trong. Cái tiện nhất của chiếc máy này là đặt đâu cũng được vô cùng gọn nhẹ mà thay thế cho cả trăm con người cùng một lúc. Chiếc máy ra đời khi mà phong trào làm than ở Cẩm Phả bung ra, đã làm thay đổi hoàn toàn cung cách sản xuất từ lao động chân tay sang lao động cơ khí. Máy nghiền đập xít than của kỹ sư Phạm Thạnh làm ra không đủ bán. Người ta đặt tiền trước nhiều ngày để mua máy của ông Thạnh.
Ông Thạnh tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công máy nghiền sàng liên hợp di động. Mỗi chiếc máy như vậy thay thế được khoảng 50 lao động. Rồi Đông Hà lại chế tạo thành công hệ thống băng rót than công suất lớn từ 70 cho đến 500 tấn mỗi giờ. Toàn bộ các mỏ than ở Quảng Ninh, mỏ nào cũng đặt mua máy móc từ Đông Hà. Riêng băng tải rót than của ông Thạnh rót đến nghìn tấn mỗi ca, chui được vào cả gầm tàu, vừa giải phóng được lao động, chấm dứt cảnh đội than vất vả nhọc nhằn lại vừa hạn chế phát tán bụi ra môi trường.
Để nâng cao giá trị của than, ông Thạnh lại thiết kế hệ thống tuyển rửa than năng suất 300 tấn mỗi giờ. Một điển hình nữa cho năng lực chế tạo của Đông Hà là hệ thống rót dăm gỗ xuống tàu biển. Sản phẩm được thiết kế theo yêu cầu của 1 công ty phía Nhật Bản. Hệ thống đến nay đã hoạt động gần 15 năm vẫn ổn định với năng suất 1.000m3 mỗi giờ.
Ông Đỗ Thông, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá: Những con người tuy không phải ở Cẩm Phả nhưng đã sinh sống ở đây thì đều thấm đẫm cái chất công nhân Vùng mỏ. Ông Thạnh là một trong những người như vậy.
Phạm Học
- TP Uông Bí: Bứt phá ở nhóm doanh nghiệp cơ khí chế tạo
- Lực đẩy mới cho công nghiệp chế biến, chế tạo
- Nhật Bản chế tạo thiết bị vệ sinh không mùi nhỏ nhất thế giới
- Nhiệt điện, công nghiệp chế biến, chế tạo phải tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng
- Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo hiệu quả, bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()