Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:31 (GMT +7)
"Đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao khả năng sáng tạo..."
Chủ nhật, 12/12/2021 | 08:28:33 [GMT +7] A A
Thích đọc truyện tranh, ham mê đọc sách, học giỏi văn và có kế hoạch rõ ràng... là nhận xét của nhiều bạn bè, thầy cô ở Trường THPT Cẩm Phả về Trần Thị Phương Hảo, học sinh lớp 12A2, vừa đoạt giải nhất Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2021 cho khối trung học phổ thông.
Đây là cuộc thi do Bộ VH,TT&DL phát động, là hoạt động dành cho học sinh và sinh viên toàn quốc nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, góp phần phát triển khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh vừa có cuộc phỏng vấn Trần Thị Phương Hảo về niềm đam mê, niềm vui từ việc đọc sách...
- Xin chúc mừng Hảo đã đoạt giải nhất Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2021. Cảm xúc của Hảo như thế nào khi nhận được thông tin này?
+ Quả thật rất bất ngờ, em chưa dám tin xong cũng vẫn hơi… hoang mang chút (cười) bởi sau một thời gian gửi tác phẩm mà chưa nhận được thông tin gì. Tác phẩm là nỗ lực, tâm sức của em cùng bạn bè, thầy cô. Thế rồi bất ngờ, một buổi tối trung tuần tháng 11/2021, sau khi đi học về, em nhận được điện thoại báo từ cô giáo: Tác phẩm của em đã đoạt giải nhất, chỉ sau giải tiêu biểu giữa hàng nghìn tác phẩm từ khắp các vùng miền. Đó là món quà bất ngờ cho sự chờ đợi, công phu mà thầy cô, các bạn và em đã cùng chung tay.
- Là một cuộc thi mới được tổ chức gần đây, điều gì khiến Hảo biết tới và quan tâm tới hoạt động này?
+ Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc được tổ chức hàng năm tới các cấp học ở các địa phương trong toàn quốc. Nhà trường sẽ phổ biến và mời các cấp, lớp tham gia, từ đó chọn ra các tác phẩm hay nhất tham gia cuộc thi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Em biết tới Cuộc thi này lần đầu là năm học lớp 10. Ở Cuộc thi năm 2021, ngoài đề thi về sáng tác thơ, truyện và viết tiếp phần kết của một câu chuyện dở dang, em đã mạnh dạn chọn đề thi: Chia sẻ cảm nghĩ về một tác phẩm mà mình tâm đắc. Nhận thấy đây là cuộc thi rèn luyện khả năng viết, đúng với sở thích đọc sách, truyện từ nhỏ, học và viết văn của mình nên em tham gia ngay.
- Năm học cuối cấp rất bận rộn, có bạn cho rằng đây là cuộc thi không thiết thực?
+ Bằng trải nghiệm của mình, em lại có suy nghĩ ngược lại. Bởi cuộc thi này gắn liền với học sinh, với việc học tập, giúp ích cho sự tiến bộ của chính mỗi học sinh, đặc biệt các bạn có khả năng viết, học tốt môn văn. Tham gia cuộc thi làm sao cho chỉn chu và hết sức mình, chứ không nghĩ tới giải thưởng, chúng em coi đây là cơ hội thử sức, thử khả năng phân tích, viết văn cũng như định hướng rèn luyện môn thi tốt nghiệp đại học cho chính mình. Vì thế, khi đoạt giải cấp tỉnh và được chọn vào vòng sau, em lựa chọn làm thủ công, viết tay. Dù tốn công nhưng em được các bạn và thầy cô hỗ trợ rất đắc lực hoàn thiện sản phẩm. Đó cũng là quãng thời gian rất lý thú khi được làm việc nhóm, có thêm nhiều bạn mới ở các khối lớp. Sau đó, bài của em còn được thầy cô hướng dẫn chỉnh sửa, trau chuốt về câu từ. Nhờ vậy, em cũng học hỏi được nhiều, rèn giũa khả năng bản thân.
- Em có thể chia sẻ về tác phẩm cũng như những bí quyết để đoạt được giải thưởng này?
+ Nội dung em lựa chọn là cảm nghĩ về cuốn sách: Những tấm lòng cao cả, tác phẩm văn học của một nhà văn Italia. Tác phẩm này, xuất bản vào thế kỷ XIX, là cuốn nhật ký bán chạy ở Việt Nam, nội dung rất gần gũi, ngôn từ phù hợp, dễ tiếp cận, dễ đọc. Tác phẩm là câu chuyện viết cho trẻ nhỏ nhưng lại có bài học sâu sắc cho người lớn, vẫn đúng đắn cho tới bây giờ như viết về mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, thầy cô, dũng cảm tự nhận lỗi để tiến lên... có nhiều nét tương đồng với cuộc sống, xã hội hiện tại. Qua tác phẩm, mỗi cá nhân khi đọc đều có những chiêm nghiệm đáng giá cho bản thân. Lựa chọn tác phẩm đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của bài viết.
- Hảo thu được gì từ quá trình tham gia cuộc thi này?
+ Em nhận thấy, để tham gia cuộc thi này cần kỹ năng đọc, diễn đạt văn học. Điều này, hình thành nên một thói quen đọc sách mỗi ngày, dù chỉ đầu tư một thời gian ngắn, sự cảm nhận, chiêm nghiệm từ từng câu chuyện. Khi đã ngấm, yêu thích thì viết ra cảm nhận của mình cũng sẽ đơn giản hơn. Ngoài thói quen tốt, kỹ năng viết văn thì dường như kết quả đến với em ngay tức thì. Điểm số môn văn ở các bài thi học kì, bài kiểm tra đều tăng. Hơn hết, cảm nhận và cách đọc, học văn của em cũng thay đổi nhiều hơn.
- Theo bạn, làm sao để khơi dậy sự quan tâm, niềm đam mê văn hoá đọc trong giới trẻ?
+ Nhờ tiến bộ công nghệ và sự phổ biến của các thiết bị thông minh, sách ngày nay được chuyển thể thành sách điện tử rất tiện dụng với độc giả. Tuy nhiên, sách trên mạng có nhiều “sạn” như: Nguồn sách không rõ ràng, sai chính tả, sai từ hay ý so với bản gốc, bản dịch chưa chính xác. Ngoài ra, đọc sách online nhiều cũng khiến bạn dễ phụ thuộc, dễ dẫn tới việc nghiện điện thoại hoặc thiết bị thông minh... Ngược lại đọc sách truyền thống vẫn có những vẻ đẹp, sự hấp dẫn riêng khi độc giả có một không gian phù hợp hay một hội, nhóm hay câu lạc bộ cùng nhau đọc, trao đổi những điều hay mà mỗi người cảm nhận được. Vậy nên cần chọn lọc đọc online, cân bằng giữa 2 hình thức truyền thống và đọc số.
- Hảo có mong muốn gì để tạo phong trào đam mê đọc sách, mở rộng văn hoá đọc ở trường?
+ Em mong muốn và hy vọng đọc được nhiều tác phẩm hay, có nhiều kiến thức vững vàng. Sau đó bằng kiến thức, cảm nhận của mình, giới thiệu, chia sẻ với các bạn trong lớp gắn với những kinh nghiệm học, viết văn. Rộng hơn, em mong rằng trước mắt sẽ kêu gọi được các bạn bè cùng sở thích có thể thành lập một quỹ nhỏ, một nhóm chung nhỏ hay CLB cùng góp các cuốn sách hay, cùng chia sẻ giới thiệu để cùng nhau đọc. Hoặc đơn giản đó là nhóm, CLB các bạn yêu thích đọc sách, giúp nhau học môn văn đơn giản hơn, hiệu quả hơn.
- Em định hướng nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào?
+ Nhiều người cho rằng môn văn không ứng dụng được nhiều vào cuộc sống thế nhưng em nhận thấy, học văn là cảm nhận chân - thiện - mỹ và còn nuôi dưỡng tâm hồn tạo cảm hứng, nâng cao khả năng sáng tạo trên nền tảng kiến thức văn hoá. Em có mong ước và định hướng thi vào ngành kiến trúc. Ngoài tính toán, để học tốt và giỏi nghề về sau em nghĩ rằng cần sự sáng tạo, cảm hứng và phông kiến thức văn hoá rộng.
- Nếu có một chia sẻ, một thông điệp thì Hảo muốn nói gì với các bạn vẫn chưa quan tâm, chưa đam mê đọc sách ?
+ Em vẫn nhớ một câu nói của một nhà bác học: Sách là người bạn lớn của con người. Đọc sách chưa chắc đã thành công nhưng muốn thành công phải đọc sách và có lẽ mỗi ngày chúng ta nên đọc sách dù ít để tích luỹ, lát dần những viên gạch lên bậc thang dẫn tới thành công của chúng ta.
Để hấp dẫn và lâu bền, cần quan tâm tạo nguồn cảm hứng đọc cho bản thân, trước hết các bạn phải hiểu được bản thân mình đang cần kiến thức gì, tìm đọc những cuốn sách phù hợp, lựa chọn qua loa sẽ làm bạn nhanh chán. Và em mong rằng, mỗi ngày các bạn giảm chơi game, lướt facebook, bỏ chút thời gian đọc thêm một vài câu chuyện, tương tác trao đổi bàn luận với bạn bè. Điều đó sẽ nhân lên niềm vui, thói quen đọc sách.
- Xin cảm ơn em!
Tạ Quân (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()