Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:19 (GMT +7)
Đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em gái
Thứ 6, 31/03/2023 | 08:28:12 [GMT +7] A A
Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số, hạnh phúc gia đình. Để từng bước kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành dân số tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 45.900 trẻ không được sinh ra chỉ vì là bé gái. Định kiến giới xảy ra khá nghiêm trọng khi vẫn còn tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Nguyên nhân cơ bản là do trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao; nhu cầu lao động ở một số nơi đòi hỏi nhiều nam giới. Nhiều gia đình đã lạm dụng sự tiến bộ của KHKT để lựa chọn giới tính thai nhi...
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo... Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia. Hình thức truyền thông được đổi mới. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, đã huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ. Thông qua tuyên truyền, vận động đã từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa - văn nghệ; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các CLB: "Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh", "Giới và bình đẳng giới"... Đặc biệt mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai ở 177/177 xã, phường, thị trấn đã tập trung thay đổi nhận thức của người dân về giới tính; công tác truyền thông được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương.
Tại TP Uông Bí, nhận thức rõ vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, ngành dân số đã phối hợp cùng ngành y tế thành phố triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn tại các xã, phường, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc cho các bà mẹ mang thai...
CLB "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" phường Vàng Danh với 30 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ lần/quý theo các chủ đề khác nhau. Qua hoạt động, các thành viên đã hiểu rõ những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Chị Phạm Thị Thu Hà, thành viên CLB, cho biết: "Tham gia CLB tôi hiểu rõ hơn về mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con tự nhiên, không lựa chọn giới tính khi sinh và đảm bảo việc thực hiện KHHGĐ để không mang thai ngoài ý muốn”.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng dân số (Trung tâm Y tế TP Uông Bí), cho biết: Thời gian qua, ngành dân số của thành phố đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái; duy trì tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại, phù hợp để tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em gái được triển khai tại các trường học, như tổ chức các buổi tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe thanh niên, vị thành niên, cung cấp đầy đủ các kiến thức về giới, bình đẳng giới, duy trì hiệu quả các CLB về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn...
Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều tác động xấu đến gia đình và xã hội. Để giảm thiểu được tình trạng này, các cấp, ngành cần tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Vân Anh
- Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
- 100 triệu - là dự báo dân số Việt Nam vào trung tuần tháng 4 tới
- 15% - Là dự báo tỷ lệ người trên 60 tuổi trong tổng dân số tỉnh vào năm 2025
- Già hóa dân số: Thách thức và giải pháp trong việc chăm sóc người cao tuổi
- Đổi mới công tác truyền thông, giáo dục về dân số
- Đồng bộ giải pháp phát triển dân số bền vững
- Hiệu quả từ các mô hình về dân số
Liên kết website
Ý kiến ()