Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 10:22 (GMT +7)
Động lực phát triển từ những nghị quyết mới
Thứ 6, 17/12/2021 | 09:54:49 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV (diễn ra từ ngày 7-9/12/2021) đã thông qua 27 nghị quyết. Đây là những quyết sách quan trọng, được đánh giá sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.
Để giữ vững đà tăng trưởng cao
Đại dịch Covid-19 đã gây xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta được đánh giá là nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất, nặng nề nhất là khu vực du lịch, dịch vụ vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trước khó khăn, Quảng Ninh lại một lần nữa cho thấy sự nỗ lực, kiên cường để giữ vững địa bàn “thích ứng an toàn, ổn định, phát triển” trong trạng thái bình thường mới, gặt hái được nhiều thành quả to lớn trong cuộc chiến chống dịch và thực hiện “mục tiêu kép” năm 2021. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đặt ra đối với tỉnh khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 - năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022–2025, trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, có thể còn kéo dài, khó lường.
Để bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, tại Kỳ thứ 6 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND tỉnh khóa XIV đã quyết nghị rất nhiều chính sách quan trọng. Đáng chú ý, Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, với 13 chỉ tiêu trọng tâm. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút vốn FDI ít nhất 1,5 tỷ USD; tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. 100% đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới... Nghị quyết cũng thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu và mục tiêu đề ra.
Trong lĩnh vực đầu tư công, HĐND tỉnh thông qua 3 nghị quyết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; Phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Mục tiêu chung của 3 nghị quyết này là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả; phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh phấn đấu nguồn lực dành cho đầu tư công tăng từ 4-6%/năm; số dự án khởi công mới giảm 50% so với giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân trên 95%; số dự án hoàn thành chiếm trên 85% tổng số dự án được bố trí vốn. Năm 2022, tỉnh dự kiến khởi công 4 dự án trọng điểm: Đầu tư xây dựng Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh; Đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, đoạn từ cảng Con Ong đến Quốc lộ 18; Đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; Mở tuyến luồng đường thủy nội địa từ cảng Cái Rồng đi các xã đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Bản Sen thuộc huyện Vân Đồn.
Cũng tại Kỳ họp thứ 6, nhiều quyết sách quan trọng về tài chính, thu - chi NSNN được ban hành: Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Dự toán thu - chi ngân sách và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2022. Theo đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường siết chặt chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy CCHC trong công tác quản lý tài chính - ngân sách công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; đẩy mạnh tái cơ cấu và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo tỷ trọng chiếm trên 50% tổng chi ngân sách địa phương; đảm bảo vai trò chỉ đạo của ngân sách tỉnh.
HĐND tỉnh cũng thống nhất ban hành các giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022 với nhiều chính sách ưu đãi nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và các ngành ổn định, từng bước phục hồi kinh doanh theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này rất quan trọng và cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Đây là cơ sở để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Tạo dựng những cơ chế vượt trội
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, nhiều nghị quyết với cơ chế, chính sách vượt trội so với cả nước đã được thông qua, như Nghị quyết quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026. Theo đó, quy định mức thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020; mức thưởng học sinh giỏi quốc gia tăng 3,5 đến gần 7 lần, khu vực quốc tế tăng 2,8-3,3 lần; quốc tế tăng từ 3-4,5 lần so với mức thưởng năm 2016, mức thưởng cao nhất trong nước hiện tại. Đây đều là những mức thưởng cao nhất cả nước. Đáng chú ý, tỉnh dành mức thưởng cao nhất lên tới 700 triệu đồng cho học sinh đoạt giải nhất cấp quốc tế, 500 triệu đồng cho học sinh giỏi cấp khu vực quốc tế; đồng thời, bổ sung chính sách cho học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số được thưởng bằng 1,5 lần so với mức thưởng quy định.
Nghị quyết ngay sau khi ban hành đã tạo sức lan toả rất lớn trong ngành GD&ĐT tỉnh. Cô giáo Trương Thị Hằng (Trường THPT Chuyên Hạ Long) chia sẻ: Nghị quyết mới của tỉnh có tác động tích cực, rất lớn đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Mức thưởng cho giáo viên, học sinh cao hơn nhiều so với trước, tạo động lực để chúng tôi cống hiến hơn nữa.
Lĩnh vực y tế, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 được xây dựng bao gồm chi phí lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện xét nghiệm và trả kết quả; chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm (là các bộ kít xét nghiệm). Cụ thể: Dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh 16.400 đồng; dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag miễn dịch tự động/bán tự động: 38.500 đồng; dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu đơn: 165.600 đồng. Riêng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu gộp có giá từ 92.400 đến 138.900 đồng. Với nghị quyết này, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 của Quảng Ninh hiện vào mức rẻ nhất trong nước.
Mức giá dịch vụ xét nghiệm mới đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt phần nào chi phí trong bối cảnh dịch đang tác động không nhỏ tới kinh tế. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh -Vinacomin, cho biết: Với giá dịch vụ xét nghiệm được quy định rõ như hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho Công ty xây dựng kế hoạch trong phòng, chống dịch. Giá dịch vụ đã được điều chỉnh giảm hơn trước góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nhất là đối với doanh nghiệp có số lượng cán bộ, công nhân lớn, cần test thường xuyên.
Tạo sức lan tỏa
Những nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 được đánh giá đều là những quyết sách rất cần thiết, rất quan trọng, tạo dựng được hành lang pháp lý rộng rãi và động lực mạnh mẽ để các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang là những thách thức. Đặc biệt, 2 nghị quyết lĩnh vực y tế, GD&ĐT thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Với những tính ưu việt, vượt trội của chính sách, 2 nghị quyết này kỳ vọng góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cũng như đảm bảo an dân, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy và học ở các cấp học, đặc biệt đầu tư nhiều hơn nữa giáo dục mũi nhọn để tạo bứt phá, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Đồng thời, tiếp tục tạo môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đưa tỉnh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo. Qua đó, góp phần cụ thể hóa rõ nét khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hồng Dương cho biết: Thời gian tới, trên tinh thần chỉ đạo tại các nghị quyết của HĐND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; tập trung nguồn lực vào các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo ra các hành lang, không gian phát triển mới.
Những cơ chế, chính sách mới của Quảng Ninh tiếp tục đem đến cho nhân dân niềm vui, sự tự hào về một quê hương đổi mới. Ông Bùi Văn Huấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 6 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), cho biết: Mỗi một quyết sách được tỉnh ban hành đều hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Tôi tin rằng với công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, bám sát tình hình thực tế hiện nay, những nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội , nâng cao đời sống cho người dân.
Thu Chung
- Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đoạt giải Bạc cuộc thi báo chí "Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống"
- Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XIV: Thông qua 27 Nghị quyết quan trọng
- Ngày 9/12, HĐND tỉnh sẽ thông qua các nghị quyết và bế mạc Kỳ họp thứ 6
- Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()