Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh nhằm phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai quyết liệt 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực. Với những cách làm sáng tạo, triển khai đồng bộ, nền tảng vững chắc từ 3 đột phá chiến lược đã giúp cho tỉnh bứt phá ngoạn mục về mọi mặt.
Với quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV luôn đề ra chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện ba đột phá chiến lược của Đảng. Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm hướng đi phù hợp, đa dạng hóa hình thức đầu tư và mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai các dự án.
Từ năm 2014 đến 2018, cùng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh và kêu gọi đầu tư, Quảng Ninh đã hoàn thành chuỗi các công trình giao thông mang tính động lực trong kết nối vùng và quốc tế. Điển hình là: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Điều đặc biệt, nguồn lực dành cho đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng nguồn vốn chủ yếu từ xã hội hóa, ngân sách tỉnh chỉ là “dẫn dắt” và chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy huy động đầu tư xã hội hóa lớn hơn.
Đầu năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Khi hoàn thành, Quảng Ninh sẽ sở hữu gần 200km đường cao tốc, đóng góp 1/10 vào kế hoạch có 2.000km đường cao tốc mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Tỉnh đã khởi công tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với tuyến hầm qua Vịnh Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và đường bao biển Bãi Cháy, tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và là điểm nhấn tham quan du lịch cho du khách khi đến với Hạ Long.
Đặc biệt, đón đầu sự kiện huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, Quảng Ninh đã quyết định đầu tư các cầu Cửa Lục 1 và 3. Đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu, nghe và cho ý kiến về phương án thiết kế đường kết nối cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long); đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều. Đây sẽ là những hạ tầng giao thông mới, đồng bộ và hiện đại, góp phần mở rộng không gian phát triển đồng đều giữa các khu vực của thành phố Hạ Long mới, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ các tuyến chính, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã và đang được Quảng Ninh đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh đạt gần 100%.
Chỉ tính riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh đạt 12,01%, là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua. Thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay, với tổng thu đạt trên 46.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018; trong đó thu nội địa đạt trên 34.300 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 14 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 5,75 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ...
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và là một trong những công cụ quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện tốt công tác CCHC và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm từng bước hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đảm bảo hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, thông suốt, hiệu quả; lấy sự hài lòng của tổ chức và công dân làm thước đo hiệu quả của CCHC.
Theo đó, Quảng Ninh nỗ lực xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương cấp huyện; đồng thời liên kết đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 186/186 xã, phường, thị trấn, để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015.
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. 3 năm gần đây, tỉnh liên tiếp giữ vị trí nhóm đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX). Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Năm 2018 Quảng Ninh là một tỉnh của Việt Nam được vinh danh, đón nhận giải thưởng ASOCIO công nhận về Chính quyền số. Đây là giải thưởng CNTT uy tín hàng đầu, có ảnh hưởng rất lớn trong ngành CNTT trong khu vực.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Một cách làm mới của Quảng Ninh được đánh giá cao là thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA). IPA là mô hình đầu tiên trong cả nước; với chức năng, nhiệm vụ có sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau từ khâu mời gọi đến giải quyết thủ tục ban đầu cho nhà đầu tư. Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư được rút ngắn gần 50% so với quy định của pháp luật.
Từ những đột phá trong CCHC đã giúp Quảng Ninh trở thành “nơi cần đến” của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước với các dự án làm thay đổi diện mạo của tỉnh như: Sun Group, Vingroup, My Way, FLC, Amata... Đây cũng chính là minh chứng rõ nhất về việc Quảng Ninh đang trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài từ nguồn ngân sách tỉnh. Bước đi đột phá đầu tiên của tỉnh có thể kể đến là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành năm 2014 (Nghị quyết 15).
Thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”, mỗi năm, tỉnh dành hàng chục tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bên cạnh thực hiện mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, tỉnh còn triển khai các chương trình hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng của tỉnh.
Năm 2014, Trường Đại học Hạ Long được thành lập, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác giảng dạy, tỉnh áp dụng chính sách thưởng một lần và hỗ trợ lâu dài về nhà ở, mức lương và các chế độ đãi ngộ. Nhờ đó, sau 5 năm thành lập, trường đã thu hút được 10 tiến sĩ, 2 thạc sĩ vào làm việc và 40 phó giáo sư, tiến sĩ về thỉnh giảng. Để nâng cao chất lượng đầu vào, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cũng ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo ngay từ các cấp học phổ thông. Trong 5 năm 2014-2019, tỉnh đã dành 806 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục; tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đạt trên 20% tổng chi ngân sách của địa phương.
Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên trên 75%. Đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần cho khu vực dịch vụ. Đột phá về nguồn nhân lực chính là nền tảng quan trọng xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp và vững mạnh, vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thực hiện: Hoàng Quý
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()