Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:08 (GMT +7)
Đặc sắc di sản văn hoá phi vật thể
Chủ nhật, 21/01/2024 | 20:09:55 [GMT +7] A A
Bên cạnh 2 di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và then Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh, Quảng Ninh còn sở hữu 12 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia rất đặc sắc.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Hát nhà tơ hát - múa cửa đình, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội Xuống đồng. Đặc biệt, trong số 12 di sản phi vật thể quốc gia của Quảng Ninh có 8 di sản thuộc loại hình lễ hội là Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội Xuống đồng.
Trong 8 lễ hội vừa kể, có 3 lễ hội diễn ra trên địa bàn TX Quảng Yên, 2 lễ hội diễn ra tại TP Móng Cái, còn lại TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và huyện Đầm Hà, mỗi nơi sở hữu một lễ hội. Đặc biệt, có 5 trong 8 lễ hội trên diễn ra tại không gian đình làng. Điều đó cho thấy tính chất cố kết cộng đồng tại các làng xã ở Quảng Ninh xưa kia là rất chặt chẽ.
Đó chỉ là 8 trong tổng số 80 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có các lễ hội lớn được diễn ra trong nhiều ngày, đặc biệt lại có những lễ hội mang tính hội vùng, thường cuốn hút du khách nhiều tỉnh thành về dự. Có lễ hội diễn ra những nghi thức độc đáo như tục rước người sống tại Lễ hội Tiên công hay tục rước Ông Voi thực chất là con lợn tại Lễ hội đình Trà Cổ.
Các lễ hội đều tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu lao động, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, ước nguyện về những vụ mùa bội thu. Trong khi đó Lễ hội Quan Lạn và Lễ hội Bạch Đằng lại tái hiện những truyền thống lịch sử đánh giặc giữ nước. Đặc biệt, Lễ hội Bạch Đằng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc khi được người dân địa phương gọi là lễ "Giỗ trận Bạch Đằng" trong đó có nghi thức cầu siêu cho cả những vong hồn tử trận ở bên kia chiến tuyến. Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội đình Đầm Hà gắn liền với diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát múa cửa đình cũng đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Có một sự giao thoa dung hợp văn hóa vùng miền giữa các lễ hội ở Quảng Ninh. Trong khi những lễ hội miền biển luôn gắn liền với các nghi lễ thả thuyền rồng và hội thi bơi chải thì Lễ hội Bàn Vương ở Ba Chẽ cũng có hội bơi thuyền tái hiện hành trình vượt biển tìm vùng đất mới của tổ tiên người Dao. Cũng ở Ba Chẽ, Lễ hội miếu Ông và miếu Bà thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian mẫu Thượng Ngàn hòa hợp với tín ngưỡng thờ cúng nhân vật lịch sử. Sự khác biệt nữa là các lễ hội vùng biển đảo Quảng Ninh vẫn mang yếu tố nội đồng mà nhạt yếu tố biển như các tỉnh duyên hải khác trong cả nước.
Các hoạt động trong lễ hội phong phú, lành mạnh, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đồng thời tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, tình người. Lễ hội truyền thống chính là dịp để con người giải tỏa, tự thể hiện mình, đồng thời giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp. Việc có đến 8 lễ hội là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vừa thể hiện sự phong phú đa dạng trong văn hoá Quảng Ninh vừa là tiềm năng, nguồn lực quan trọng để khai thác cho hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()