Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 06:21 (GMT +7)
Đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp
Thứ 5, 06/10/2022 | 08:30:41 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong suốt thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp.
Nhằm tạo cơ sở cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, một trong những giải pháp đầu tiên được tỉnh thực hiện là triển khai nhanh việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp và đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân, hiện thực hóa Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Đến nay, lực lượng công an của tỉnh đã cấp được gần 125.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Khi công dân, doanh nghiệp sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như trước đây. Việc này không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giúp công dân, doanh nghiệp tiết giảm các chi phí kèm theo.
Cùng với đó, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã làm quen và sử dụng thành thạo hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công thiết yếu, như: Thanh toán viện phí, điện, nước, mua sắm… Qua đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, năng suất lao động, giảm các thủ tục hành chính, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức vẫn sẽ là “chìa khóa” cho việc đưa dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số đến với người dân, Quảng Ninh đã sáng tạo, đột phá và đi trước một bước trong việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 1.400 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên, trong đó nòng cốt chính là các cán bộ, công chức cơ sở, lực lượng ĐVTN có kỹ năng số cơ bản. Để phục vụ hoạt động của mô hình này, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng 20 clip hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán online,… trong đó có 9 clip hướng dẫn trực tiếp quy trình, thủ tục sử dụng các dịch vụ công thiết yếu. Hiện các bộ phận liên quan đang tiếp tục hoàn thiện 40 clip khác để cung cấp cho các Tổ công nghệ số cộng đồng và đăng tải trên các phương tiện truyền thông thông tin tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân…
Cùng với đó, xác định việc đưa dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp phải được thực hiện tốt từ những đơn vị chủ chốt trong giải quyết TTHC là các trung tâm hành chính công, thời gian qua các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Tại các trung tâm, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cán bộ trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đã được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới về dịch vụ công trực tuyến, bóc tách, số hóa dữ liệu hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông… để sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.806 dịch vụ công, trong đó 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.429 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Toàn bộ 100% TTHC tại 14 trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và 177 bộ phận một cửa cấp xã, phường đã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được tích hợp với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống giám sát, đánh giá tự động của Văn phòng Chính phủ để giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.223 thủ tục, đạt 75%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn 8 tháng năm 2022 đạt 97,67%, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dựa trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử đạt trên 70% (tăng 20% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh cũng đã có trên 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử như: Dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, tra cứu mã hồ sơ giải quyết TTHC...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()