Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 06:56 (GMT +7)
Đừng để các nhà đầu tư mất niềm tin
Thứ 5, 16/07/2015 | 05:58:42 [GMT +7] A A
Dự án Liên cơ quan số 3 là một trong những công trình được tỉnh thí điểm đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP), cụ thể là theo phương thức “Đầu tư tư - sử dụng công”. Đây là công trình được bố trí là nơi làm việc của một số cơ quan trực thuộc tỉnh. Dự án do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn gần 500 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong khoảng 24 tháng. Công trình được thiết kế gồm 23 tầng nổi và 2 tầng hầm, vị trí xây dựng tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Công trình đã chính thức được khởi công từ cuối tháng 12-2014, với hy vọng sẽ sớm được đưa vào sử dụng để giải tỏa những khó khăn, bất cập về nơi làm việc của một số cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, tính đến nay đã hơn 6 tháng kể từ ngày khởi công, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có được chuyển động gì. Lý do là vì chưa giải phóng được mặt bằng, trong đó có liên quan đến 2 đơn vị và một số hộ dân. Điều đáng nói nhất là vướng trụ sở làm việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Bởi lẽ, theo kế hoạch của tỉnh, đơn vị này phải chủ động thuê địa điểm làm việc mới và di chuyển trước ngày 15-1-2015, theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh. Thế nhưng đến nay, đơn vị này vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Còn đối với các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng, tính đến cuối tháng 5, TP Hạ Long cũng chưa công khai được đơn giá đền bù, do vậy vẫn chưa giải phóng được mặt bằng để triển khai dự án…
Nhận thức được những ưu điểm của mô hình hợp tác công - tư, đặc biệt là trong việc tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng hiệu quả trong công tác quản lý, nên tỉnh đã rất chú trọng đến phương thức đầu tư này. Cụ thể là từ cuối năm 2014, tỉnh đã chủ trương đầu tư một số công trình theo phương thức hợp tác công - tư. Ngoài trụ sở Liên cơ quan số 3, còn có trụ sở Liên cơ quan số 4 do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Và dự kiến trong năm 2015 này, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà sẽ đầu tư tiếp trụ sở làm việc của Báo Quảng Ninh và trong tương lai gần là Trung tâm báo chí của tỉnh. Số vốn do các doanh nghiệp bỏ ra và huy động thực hiện các dự án này lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với khả năng chi của ngân sách tỉnh…
Mặc dù nguồn vốn bỏ ra để đầu tư các công trình này là từ vốn tự có và vốn vay của các doanh nghiệp, nhưng rõ ràng việc chậm bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giả sử các doanh nghiệp đã huy động vốn từ ngân hàng, thì lãi suất vốn vay sẽ là gánh nặng cho đơn vị khi mà dự án vẫn chưa được triển khai, không đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch…
Bất kể doanh nghiệp nào, khi đưa đồng vốn vào thị thường đều phải tính đến hiệu quả lời lãi. Việc chậm tiến độ một công trình, dự án đều tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và đáng nói hơn, đây đều là những dự án được thí điểm đầu tư theo mô hình mới là hợp tác công - tư, nếu việc thực hiện không được suôn sẻ, thuận lợi và hiệu quả sẽ làm mất niềm tin đối với nhà đầu tư. Để rồi khi cần, chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc kêu gọi, huy động nguồn vốn. Bởi vậy, các ngành chức năng và địa phương liên quan cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cao nhất cho chủ đầu tư trong triển khai dự án, bằng việc sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta củng cố niềm tin với các nhà đầu tư và thực hiện tốt mô hình hợp tác công - tư trong những năm tiếp theo…
Thanh Tùng[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()