Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:44 (GMT +7)
Giảm nghèo bền vững ở Ba Chẽ
Thứ 5, 14/07/2022 | 14:32:13 [GMT +7] A A
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp phát triển KT-XH thiết thực, phù hợp với đặc thù của địa phương, công tác giảm nghèo ở huyện Ba Chẽ đã đạt được những kết quả ấn tượng trong những năm gần đây. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Xác định muốn thoát nghèo phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế, nên gia đình bà Trần Thị Thủy (thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về giống mía tím. Qua tìm hiểu cho thấy, đây là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, đồng thời chi phí ban đầu về giống, phân bón, cũng như nhân công không mất nhiều. Được sự tuyên truyền, vận động của xã, từ năm 2018, bà Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2.000m2 đất ruộng trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây mía tím.
Bà Thủy chia sẻ: Từ việc học hỏi và được hỗ trợ về kỹ thuật của Hội Nông dân xã, diện tích mía tím của gia đình tôi ngày càng phát triển tốt. Thân cây mềm, ngọt và được thương lái đến tận ruộng thu mua. Vụ đầu tiên thu hoạch, gia đình thu về gần 10 triệu đồng tiền lãi. Gia đình tôi đã dần tăng diện tích trồng và hiện duy trì khoảng 1,5ha. Mỗi năm, thu lãi trên 50 triệu đồng từ trồng mía tím.
Từ một hộ nghèo trong thôn, nhờ đổi mới tư duy, chăm chỉ làm việc, gia đình bà Thủy đã thoát khỏi cảnh nghèo khó đeo đẳng bao lâu nay.
Huyện Ba Chẽ hiện đã quy hoạch, khuyến khích người dân trồng tập trung cây mía tím tại các xã Đồn Đạc, Thanh Sơn và Nam Sơn. Đây là một trong những loại cây trồng đang cho giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác.
Bên cạnh cây mía tím, Ba Chẽ còn phát huy điều kiện thuận lợi về phát triển lâm nghiệp để giúp bà con giảm nghèo bền vững. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 60.800ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm đến hơn 90%. Huyện đã tập trung quy hoạch và phát triển vùng trồng các loại dược liệu có giá trị cao của địa phương như trà hoa vàng, ba kích, cát sâm... Tích cực vận động bà con trồng và chế biến dược liệu; hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm)... Trong đó, định hướng phát triển trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia. Nhờ những chính sách hỗ trợ hiệu quả, thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ hiện đã được người tiêu dùng đón nhận và có giá trị cao trên thị trường. Từ đó khuyến khích người dân hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) cho biết: Trước kia người dân thường vào rừng hái hoa, chặt cây trà hoa vàng để bán. Vì vậy, cây dược liệu quý của địa phương ngày càng mai một. Với mong muốn phát triển cây trà hoa vàng, tôi đã nghiên cứu, nhân giống phát triển cây trà hoa vàng. Hiện nay, hàng chục hộ dân đã tham gia trồng trà hoa vàng, công ty của tôi hiện đang bao tiêu, thu mua sản phẩm cho bà con. Huyện Ba Chẽ cũng đang cùng với công ty xây dựng sản phẩm OCOP trà hoa vàng cấp quốc gia. Từ đó nâng cao giá trị, hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để tạo sinh kế lâu dài, giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Ba Chẽ còn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, qua đó tạo việc làm cho người dân. Điển hình là từ tháng 2/2022, dự án sản suất ván sàn nhựa của Công ty CP Sàn ANZ tại CCN Nam Sơn, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động, thu hút 300 lao động địa phương làm việc với mức lương khởi điểm 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn ANZ, cho biết: Trước khi xây dựng nhà máy, chúng tôi cũng đã đi tìm hiểu một số địa điểm. Tuy nhiên, sau khi đến Ba Chẽ, tôi thấy rất phù hợp, CCN có mặt bằng rộng rãi, chính sách thu hút đầu tư của huyện rất phù hợp với doanh nghiệp, thủ tục hành chính nhanh gọn. Đặc biệt là nguồn lao động địa phương dồi dào và chịu khó.
Giai đoạn 2015-2020, huyện Ba Chẽ đã giảm hơn 1.600 hộ nghèo. Trong đó, hàng trăm hộ đã tự nguyện viết đơn để xin thoát nghèo, không cần nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Điều này không chỉ thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên, tinh thần sẻ chia của người dân, mà còn ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững.
Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Chẽ tiếp tục phấn đấu để đạt thành tựu cao hơn nữa trong công tác giảm nghèo và phát triển KT-XH; phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42%, hộ cận nghèo còn 7,93% theo chuẩn giai đoạn 2022-2025.
Lê Nam
- Ba Chẽ: Nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông cho đồng bào DTTS
- Ba Chẽ: Hiệu quả từ chương trình “Thắp sáng đường quê”
- Ba Chẽ: Phát triển du lịch từ các hoạt động văn hóa, thể thao
- Ba Chẽ: Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng trong tình hình mới
- Ba Chẽ gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh
Liên kết website
Ý kiến ()