Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 08:16 (GMT +7)
Giao thông mở lối cho du lịch "cất cánh"
Thứ 5, 06/07/2023 | 07:17:00 [GMT +7] A A
Năm 2013, Quảng Ninh lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh tầm nhìn đến năm 2030 với những ý tưởng mang tính đột phá. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách từ khắp năm châu và trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, tỉnh tập trung giải quyết 7 vấn đề để thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, hạ tầng giao thông được ưu tiên thực hiện với niềm tin là động lực chính để du lịch phát triển bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng kinh tế.
Vào những năm đầu thập niên 2010, điểm nhấn về giao thông duy nhất của Quảng Ninh chỉ có cây cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Các tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp. Từ TP Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ô tô cũng mất từ 2-5h. Còn từ Hà Nội về đến TP Hạ Long cũng phải đi 4-5h… Thế nhưng đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.
Đặc biệt, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là mảnh ghép cuối cùng của trục cao tốc hình thành nên chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km kết nối đồng bộ 4 trung tâm du lịch, kết nối các di tích, kỳ quan nổi bật của tỉnh. Tuyến đường đã rút ngắn 1/2 thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm du lịch Hạ Long, đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái; qua đó tạo lực hút mạnh mẽ để du khách đến với vùng đất xa nhất tỉnh. Trước đó, vào cuối năm 2018, khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khai trương, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có sân bay tư nhân được World Travel Awards vinh danh là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á". Sân bay hạng sang do Tập đoàn Sun Group đầu tư giúp mở cánh cửa bầu trời rộng đón du khách đến với thành phố di sản. Cùng năm, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khai trương và trở thành cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam. Cảng tàu mở lối giao thông đường biển đầy tiềm năng, khi có khả năng tiếp nhận những loại tàu biển hiện đại nhất có sức chứa đến hơn 10.000 người và các du thuyền từ giới siêu giàu trên thế giới…
Ngay khi hệ thống hạ tầng giao thông không - thủy - bộ của Quảng Ninh được hoàn thiện và đi vào hoạt động, không chỉ không gian du lịch, sản phẩm du lịch được mở rộng để tăng trưởng mạnh mẽ, mà nhiều ngành kinh tế của Quảng Ninh cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn để phát triển. Cũng nhờ đó, các chỉ tiêu của du lịch đã được cải thiện rõ rệt. Từ lượng khách, tổng thu cho tới số ngày lưu trú của khách đều tăng dần đều. Với chỉ 1,1 tỷ đồng tiền thu phí tham quan của năm 1996, năm 2022 tổng thu từ du lịch của tỉnh đã đạt 25.172 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thành phố địa đầu Móng Cái đã đón 150.000 du khách trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 2022 khi tuyến đường cao tốc được đưa vào hoạt động, một con số chưa từng có, thậm chí cao hơn cả Hạ Long cùng thời điểm. Và riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 108% kịch bản. Trong đó, khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng 14,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 100% kịch bản tăng trưởng.
Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh hiện đang có điều kiện tốt để phát triển du lịch. Đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành các tuyến đường mẫu, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch đô thị. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước. Qua đó, tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển, tăng quy mô kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.
Tiếp tục phát huy cách làm, thành tựu đã có, hiện tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với các công trình giao thông trọng điểm, động lực như: Cầu Cửa Lục 3, nút giao cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến khu công nghiệp Amata… Và đặc biệt là tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) với chiều dài 41,2km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng). Tỉnh cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai một số tuyến giao thông chính như: Cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, đường sắt Hải Phòng - Hạ Long, đường sắt Hạ Long - Móng Cái... Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình giao thông kết nối liên vùng gồm: Đầu tư xây dựng các dự án cầu Lại Xuân; cải tạo, nâng cấp QL10; cải tạo nâng cấp QL4B và QL279; Dự án đường nối QL18....; tham mưu Bộ Giao thông - Vận tải sớm nghiên cứu triển khai quy hoạch các tuyến đường sắt trọng điểm theo quy hoạch đường sắt quốc gia…
Từ hạ tầng giao thông đồng bộ, những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về cùng với các nhà đầu tư tiềm năng đã minh chứng cho cách làm quyết liệt, sáng tạo, điều này đã đưa tỉnh lên một tầm cao mới. Quảng Ninh là một điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình du lịch tại Việt Nam.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()