Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:41 (GMT +7)
Hạ Long xanh trên hành trình du lịch bền vững
Thứ 4, 22/05/2013 | 04:49:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh, vùng đất địa đầu Tổ quốc Việt Nam, đang được biết đến như là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển với đường lối chiến lược là “Tăng trưởng xanh”.
Phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới cũng như của từng ngành cụ thể, nhất là đối với du lịch, một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên cao. Quảng Ninh có những lợi thế đặc biệt thuận lợi để phát triển du lịch, trong đó điển hình là kỳ quan Vịnh Hạ Long với hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và là một trong 10 vịnh biển đẹp nhất hành tinh.
Theo xu thế phát triển chung của ngành du lịch và với những nỗ lực to lớn của địa phương, Hạ Long đã trở thành một trong những điểm đến du lịch đông đúc nhất ở Việt Nam. Năm 2012, khách tham quan Hạ Long đã vượt con số 7 triệu lượt người. Vịnh Hạ Long hiện nằm trong top 100 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới và có tên trong top 10 điểm đến sông nước hấp dẫn nhất theo bình chọn của các hãng lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những con số và danh hiệu đáng tự hào là những áp lực môi trường với nhiều thách thức về sự ô nhiễm và suy thoái tài nguyên. Ở Hạ Long đến nay về cơ bản vẫn là du lịch đại chúng (mass tourism) - loại hình du lịch không đề cao bảo tồn và có thể xâm hại nhanh chóng các tài nguyên, môi trường nhạy cảm.
Việc di dời các làng chài ra khỏi khu Di sản thế giới Vịnh Hạ Long của TP hạ Long là một giải pháp cần thiết. Trong ảnh: Một “xóm chài” tại khu làng chài Cống Đầm trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG |
Trên con đường thực hiện chiến lược “Kinh tế xanh”, Quảng Ninh xác định du lịch theo hướng bền vững là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Du lịch bền vững giúp nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương và có thể được thực hiện lâu dài mà không ảnh hưởng xấu đến tài nguyên, môi trường. Đến Hạ Long hôm nay sẽ thấy có nhiều thay đổi, những thay đổi đó khiến ta thêm tin tưởng hơn vào con đường phát triển mà người Quảng Ninh đã chọn, cho dù trên con đường ấy có thể có những sự lựa chọn và đánh đổi thật khó khăn. Chẳng hạn, quyết định về việc di dời các làng chài ở Vịnh Hạ Long lên ổn định cuộc sống trên đất liền.
Từ bao năm qua, trên Vịnh Hạ Long vẫn có hình ảnh quen thuộc của những ngư dân sống quanh năm trên biển. Họ coi thuyền, bè là nhà và vịnh là quê hương. Họ là những chủ nhân đầu tiên của di sản và bằng chính cuộc sống của mình, họ đã tạo nên những giá trị văn hoá nhân văn độc đáo cho vùng non nước này. Du khách đến tham quan các làng chài trên vịnh luôn bất ngờ thú vị khi ngắm nhìn những con người, ngôi nhà, con thuyền… trong không gian đá và nước mênh mông. Hình ảnh về những ngôi nhà gỗ, lớp học nổi lênh đênh trên sóng nước, các em nhỏ chèo thuyền đi học, những thuyền câu bé nhỏ cô đơn trong bóng chiều… luôn ám ảnh và để lại những ấn tượng thật đẹp đẽ. Đã có cả một bảo tàng giới thiệu các giá trị văn hoá vật chất, tinh thần của ngư dân Vịnh Hạ Long đặt tại làng chài Cửa Vạn gọi là Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn. Có lẽ đó là bảo tàng về ngư dân hiếm hoi trên thế giới nằm giữa biển xanh. Với những nét đẹp riêng có của mình, Cửa Vạn đã trở thành một trong những tuyến điểm du lịch hấp dẫn nhất trên Vịnh Hạ Long. Gần đây, làng chài này vừa được đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới theo bình chọn của website du lịch Journeyetc.com.
Những nét đẹp độc đáo của cộng đồng ngư dân sống trong lòng Khu Di sản thế giới và đóng góp thầm lặng của họ cho du lịch địa phương là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, áp lực về gia tăng dân số ở các làng chài đang gây khó khăn cho việc kiểm soát ô nhiễm nước và bảo vệ đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long. Ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn khi nguồn thuỷ sản tự nhiên đang dần cạn kiệt và việc nuôi cá luôn gặp rủi ro vì nguy cơ ô nhiễm. Sự an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho ngư dân trong bối cảnh gia tăng các rủi ro thiên tai, nước biển dâng… là vấn đề lớn đặt ra cho chính quyền địa phương nhằm đáp ứng các yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững. Và điều quan trọng nữa là tương lai của những trẻ em làng chài cần phải được thay đổi, chúng cần được học tập và phát triển trong môi trường rộng lớn hơn chứ không phải mãi loanh quanh bên những con thuyền.
Và việc di dời các làng chài nổi ra khỏi khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long đã được tỉnh Quảng Ninh quyết định, thực hiện - đây là giải pháp cần thiết không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là đem lại cuộc sống an cư, bền vững cho hàng trăm hộ dân chài vốn lệ thuộc vào cuộc sống sông nước. Được biết, TP Hạ Long đang triển khai sắp xếp, di dời các nhà bè trên vịnh, thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt về nhà ở, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm... cho người dân.
Chuyến trở lại Quảng Ninh lần này để tìm hiểu thêm về mô hình tăng trưởng xanh đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Có một sự khâm phục trước quyết tâm và sự đồng lòng của người Quảng Ninh nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Và, cũng có chút nuối tiếc, có chút bâng khuâng khi nghĩ đến một ngày nào đó không còn những ngôi làng đẹp như tranh trên mặt nước Vịnh Hạ Long, sẽ vắng xa những hình ảnh đẹp đẽ đã đi vào tiềm thức của hàng triệu du khách. Nhưng đổi lại, tôi thấy lòng ấm áp và yên tâm hơn. Nếu coi đây như là một sự đánh đổi trên con đường phát triển, thì chắc chắn, đó là sự đánh đổi cần thiết, hợp lý và rất đáng để có được những điều tốt đẹp hơn cho mai sau.
Hoàng Hà
(Khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Liên kết website
Ý kiến ()