Thông tin do UBND huyện Thanh Bình đưa ra chiều 9/1, sau khi đề kiểm tra học kỳ I môn Văn của học sinh khối 8 trong huyện cách đây một tuần lan truyền trên mạng xã hội. Hai giáo viên bị kiểm điểm gồm một người ra đề, một người phản biện. Hội đồng ra đề cùng lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng bị xem xét trách nhiệm.
Nguyên nhân dẫn tới sự cố này do ngữ liệu trong phần Đọc hiểu của đề thi, với tiêu đề "Sao chưa mời tôi ăn", trích từ sách Tiếng cười dân gian Việt Nam của Trương Chính - Phong Châu:
"Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn. Thầy lang tin lời và bốc thuốc cho anh ta. Sau mấy ngày uống thuốc thì anh này khỏi bệnh và đi đại tiện bình thường được, nhưng tính ki bo nên muốn nuốt lời về bữa cơm, nên khi nào ông thầy lang hỏi thì cứ nói là chưa khỏi.
Ông thầy lang cũng đoán được là anh ta nói dối, bực lắm, bèn quyết định rình bắt quả tang. Một lần thấy anh ta lại đi ra đồng đại tiện, ông thầy lang liền bám theo. Khi anh này vừa đi xong đang kéo quần lên thì ngay lập tức ông thầy lang từ trong bụi cây chạy ra, một tay nắm tay anh ta, một tay chỉ vào đống phân mà quát:
⁃ Anh thật là kė tham lam tráo trở. Đã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?
Đề thi này sau đó gây tranh cãi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc sử dụng ngữ liệu "thiếu tế nhị", "dơ bẩn", "mất vệ sinh".
Ở góc độ chuyên môn, theo thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP HCM, đề thi này phù hợp với năng lực của học sinh lớp 8, cũng không sai khi dùng Truyện cười. Song việc sử dụng ngữ liệu chưa phù hợp.
"Vấn đề bệnh đường tiêu hóa, ngữ cảnh đi vệ sinh và rình người khác đi vệ sinh, câu nói cuối cùng của thầy thuốc dễ tạo cách hiểu khác kém tế nhị bên cạnh cách nghĩ logic thông thường (đã chữa khỏi bệnh thì phải được mời ăn)", thầy Khôi nhìn nhận.
Ngoài ra, tiếng cười văn bản tạo ra chưa sâu sắc, thiếu tính nhân văn cần có vốn là đặc trưng, truyền thống của văn hóa người Việt. Thầy Khôi đánh giá văn bản này chưa có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chưa tiêu biểu cho thể loại, thiếu tính chuẩn mực về ngôn ngữ.
Ông Võ Thành Ngoan, Chủ tịch huyện Thanh Bình, nói qua rà soát, đề thi không sai về nghiệp vụ chuyên môn, quy trình ra đề. Các giáo viên sau khi chấm bài nhận định học sinh làm nghiêm túc, hiểu nội dung ý nghĩa câu chuyện qua nghệ thuật ngôn ngữ và thủ pháp gây cười của truyện cười dân gian Việt Nam.
"Không có học sinh nào trả lời thể hiện cách nghĩ văn bản "dơ bẩn, mất vệ sinh" như các bình luận trên Facebook", báo cáo của huyện nêu.
Tuy nhiên, ông Ngoan thừa nhận ngữ liệu được dùng trong đề thi "khá nhạy cảm". "Truyện này phù hợp với đời sống bên ngoài. Một chuyện tiếu lâm gây tiếng cười nhưng đem ra công chúng thì cần cẩn trọng hơn", ông nói.
Huyện Thanh Bình yêu cầu ngành giáo dục huyện "rút kinh nghiệm sâu sắc", sử dụng ngữ liệu phải có tính giáo dục cao, phù hợp với năng lực nhận thức, tâm sinh lý của học sinh, từ ngữ trong sáng, tích cực. Với các giáo viên bị kiểm điểm, ông Ngoan đề nghị chỉ mang tính "nhắc nhở", không quá nặng nề.
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng với lớp 8 từ năm học này. Ở môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.
Đề thi Văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến nhiều giáo viên, học sinh hứng thú song cũng không ít người lúng túng. Theo thầy Bảo Khôi, các nhà quản lý, giáo viên cốt cán và giáo viên bộ môn cần được tập huấn nhiều hơn về công tác kiểm tra đánh giá, nhất là việc lựa chọn ngữ liệu, đặc biệt khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp sẽ có nhiều thay đổi theo chương trình mới.
Ý kiến ()