Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:03 (GMT +7)
Hải Hà: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Thứ 6, 04/08/2023 | 15:00:53 [GMT +7] A A
Huyện Hải Hà đang tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hà có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Những năm qua, huyện Hải Hà đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, thế mạnh của từng xã, huyện Hải Hà xác định 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh cần tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển, gồm: Chè, rau các loại, thịt gà và trứng gà, thịt lợn, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá lồng bè, gỗ, trà hoa vàng, quế. Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng và thực hiện các tiểu dự án đối với từng sản phẩm, trong đó xác định rõ nội dung cần đầu tư, lộ trình triển khai, kinh phí thực hiện.
Chè Hải Hà là một trong 6 sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Quảng Ninh và là sản phẩm đặc trưng của huyện Hải Hà cần được phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, để giữ gìn và phát triển thương hiệu này, những năm qua chính quyền địa phương luôn đồng hành sát sao cùng với người trồng và chế biến chè từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà, năm 2022 huyện làm việc với đơn vị tư vấn là Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc, về triển khai dự án tái cơ cấu lại ngành chè giai đoạn 2022-2025. Trong khuôn khổ dự án, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai hoạt động hỗ trợ thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến chè chất lượng cao; chuyển giao quy trình thâm canh và cấp chứng nhận cho các diện tích chè thâm canh VietGAP; trồng mới 5ha giống chè Hương Bắc Sơn theo tiêu chuẩn hữu cơ; cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 3-5ha trồng chè hiện có, hướng tới phát triển vùng trồng chè theo hướng hữu cơ, an toàn với người sử dụng.
Hiện toàn huyện Hải Hà có gần 2.000 hộ dân trồng chè với tổng diện tích trên 805ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Hiện toàn huyện có 38,8ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng có 3 cơ sở sản xuất chế biến chè quy mô lớn, 8 cơ sở vừa và nhỏ, 7 hộ sản xuất theo quy mô gia đình. Các cơ sở đều hướng đến sản xuất chế biến chè sạch bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng chăm sóc chè bằng phân bón hữu cơ, sản xuất theo công nghệ VietGAP với các giống chè chất lượng cao.
Cùng với phát triển vùng trồng chè, các mô hình kinh tế rừng cũng được huyện Hải Hà chú trọng thực hiện gắn với mục tiêu tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn là loài bản địa, như: Lim, trám, giổi, lát hoa, thông. Huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng.
Việc xác định rõ lợi thế tự nhiên, định vị được nhu cầu thị trường đã giúp Hải Hà có định hướng, giải pháp rõ ràng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn.
Huyện Hải Hà luôn chủ động thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phù hợp với định hướng phát triển KT-XH và lợi thế của từng địa phương, trong đó chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp... Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân, nhất là phát huy được thế mạnh, xây dựng thương hiệu nông nghiệp của địa phương.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Hải Hà tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất; phát triển hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu cho vùng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả; tăng cường liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; tiếp tục phát triển các tổ liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ...
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()