Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:26 (GMT +7)
Hiện đại hóa công nghệ chống giữ lò chợ
Thứ 6, 17/09/2021 | 14:37:10 [GMT +7] A A
Một trong những khâu chủ chốt của hoạt động khai thác than hầm lò là công tác chống giữ trong lò chợ. Để nâng cao hiệu quả an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cũng như tăng năng suất khai thác than hầm lò, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chủ trương nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng công nghệ chống giữ lò hiện đại và phù hợp với điều kiện địa chất, trữ lượng khu khai thác của các mỏ.
Phân xưởng Khai thác 1, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin vừa đưa một lò chợ sử dụng giàn chống mềm ZRY vào hoạt động. Với những người cán bộ, thợ lò của phân xưởng này, việc vận hành thành công giàn mềm ZRY đã đánh dấu một bước chuyển lớn về công nghệ khai thác của đơn vị. Từ công nghệ khấu buồng hiệu quả thấp trước kia, nay, với giàn mềm ZRY, năng suất lao động, công tác an toàn và điều kiện làm việc của phân xưởng Khai thác 1 đã được cải thiện rõ rệt.
Ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin cho biết: Hiện nay, Than Vàng Danh đang duy trì 3 lò chợ chống giữ bằng giàn mềm ZRY, năng suất lao động tăng từ 1,5 đến 2 lần so với công nghệ khấu buồng. Trong điều kiện có thể nhân rộng công nghệ này, Công ty sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn, các ban của TKV để nghiên cứu áp dụng bán cơ giới hoá công nghệ khấu than chống giữ bằng giàn ZRY tại những vỉa dày hơn, dốc hơn.
Cùng với Than Vàng Danh, các mỏ hầm lò trong TKV đang duy trì 10 lò chợ sử dụng giàn chống mềm ZRY. Theo kết quả khảo sát, tổng hợp trữ lượng vỉa dốc trong các dự án mỏ hầm lò của TKV, trữ lượng có khả năng áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo sử dụng giàn chống mềm ZRY còn trên 30 triệu tấn. Như vậy, tiềm năng áp dụng công nghệ này tại các mỏ hầm lò thuộc TKV là tương đối lớn.
Trong điều kiện các khu vực vỉa than có góc dốc nhỏ hơn 25 độ, chiều dày từ 3,5 đến trên 5m, chống giữ bằng giá thủy lực di động dạng khung ZH cũng là công nghệ phù hợp với các mỏ hầm lò. Với điều kiện làm việc như vậy, ZH cho phép thu hồi tài nguyên từ 90-95%, giúp các mỏ tận thu khoáng sản rất hiệu quả. Tùy thuộc tiết diện lò chợ, các mỏ có thể lựa chọn áp dụng giàn chống ZH1600mm, ZH1800mm hoặc ZH2400mm. Bình quân mỗi năm, sản lượng than khai thác từ các dây chuyền này chiếm trên 50% tổng sản lượng than hầm lò của Tập đoàn.
Đặc biệt, từ giữa năm 2020, hai đơn vị hầm lò là Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin và Công ty Than Hạ Long - TKV đã thí điểm đưa công nghệ giàn chống hạng nhẹ vào sử dụng. Việc đầu tư đồng bộ thiết bị cơ giới hóa loại nhẹ thay thế cho công nghệ khai thác thủ công hiện nay tại hai đơn vị đã cho phép nâng cao công suất, năng suất lao động một cách rõ rệt. Mức độ an toàn và việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động được bảo đảm hơn; giảm được số lò chợ hoạt động đồng thời mà vẫn tăng được sản lượng than khai thác.
Ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp TKV tăng nhanh sản lượng than khai thác hầm lò từ 4,13 triệu tấn năm 2001 lên trên 20 triệu tấn hiện nay, với mức tăng hơn 5 lần. Kết quả này có được phần nhiều nhờ vào nhờ nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn các lò chợ chống gỗ thủ công, lạc hậu và thay thế bằng công nghệ vì chống thủy lực.
Tính đến nay, TKV đang duy trì 9 lò chợ chống giữ bằng cột thủy lực đơn và xà kim loại; 18 lò chợ giá thủy lực XDY; 75 lò chợ giá thủy lực di động dạng khung ZH; 10 lò chợ giàn chống mềm; 22 gương lò chợ dọc vỉa phân tầng, ngang nghiêng và buồng thượng. Đặc biệt, toàn Tập đoàn hiện đang vận hành 11 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, cho năng suất, sản lượng cao tại các mỏ như Vàng Danh, Mông Dương, Hạ Long...
Theo chiến lược phát triển ngành Than giai đoạn 2015-2030, sản lượng than hầm lò sẽ tiếp tục tăng lên, đòi hỏi các biện pháp nâng công suất lò chợ cho các mỏ. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu cần tiếp tục hiện đại hóa công nghệ chống giữ lò chợ để đảm bảo an toàn lao động, tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()