Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:09 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) Hiểu biết nguy cơ để hành động
Thứ 4, 13/11/2024 | 09:25:47 [GMT +7] A A
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, thận, mắt… Người bệnh phải đối mặt với những hậu quả khôn lường về sức khỏe và tính mạng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Đại Yên, TP Hạ Long) đã chung sống với căn bệnh ĐTĐ gần 40 năm nay. Dù kiên trì điều trị song bệnh ĐTĐ gây biến chứng nặng khiến bà mắc các bệnh: Tim mạch, suy thận độ 3, mờ mắt, viêm khớp dẫn đến đi lại khó khăn. Có những thời điểm, chỉ số đường huyết của bà tăng cao hơn ngưỡng cho phép, đến 33mmol/l.
Tương tự, bà Hoàng Thị Oanh (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) cũng phát hiện mắc bệnh ĐTĐ cách đây 28 năm. Bà Oanh gặp những biến chứng ĐTĐ gây tăng huyết áp, mờ mắt, rối loạn cảm giác.
Đây là 2 bệnh nhân mắc ĐTĐ nhiều năm, kèm theo những biến chứng mãn tính đang được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy). Mỗi ngày Khoa Nội tổng hợp tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 30-40 bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ.
Còn tại Phòng khám nội tiết (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bãi Cháy) hiện đang quản lý, điều trị ngoại trú cho hơn 3.000 bệnh nhân ĐTĐ. Hằng ngày, phòng khám bệnh và cấp thuốc cho 150-200 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân mắc ĐTĐ được phát hiện tăng lên qua từng năm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Hiện nay, bệnh ĐTĐ có thể phát hiện sớm hơn do kiến thức về căn bệnh này đã được truyền thông rộng rãi, đồng thời ý thức về chăm sóc sức khỏe và khám bệnh định kỳ cũng được người dân quan tâm hơn. Tuy nhiên, người dân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện thăm khám, khi đến bệnh viện thường đã ở giai đoạn biến chứng (tiểu nhiều, gầy sút cân, chỉ số đường huyết cao…) cần phải nhập viện điều trị.
Qua thực tế, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy nhận thấy trước đây độ tuổi phát hiện ĐTĐ phổ biến ở người trên 50 tuổi, nhưng hiện nay số người mắc ĐTĐ ở độ tuổi 30-40 đã tăng lên nhiều. Điển hình, bệnh viện đã từng tiếp nhận điều trị bệnh ĐTĐ cho bệnh nhân còn rất trẻ, mới 15 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ, nhưng phần lớn là do chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh và uống nhiều nước ngọt, ít vận động.
ĐTĐ là một bệnh mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc khi cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Điều này dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận, viêm loét chân phải cắt cụt…
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, bệnh viện đã cập nhật liên tục các phương pháp mới, thuốc thế hệ mới làm tăng hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân ĐTĐ. Đồng thời giới thiệu cho người bệnh tiếp cận những máy móc hiện đại trong theo dõi bệnh ĐTĐ, như thiết bị theo dõi đường huyết liên tục. Đặc biệt, với việc phát triển đa khoa nên Khoa Nội tổng hợp đã phối hợp với các chuyên khoa khác trong bệnh viện để điều trị cho người bệnh ĐTĐ khi có biến chứng. Đối với người bệnh mắc bệnh lý ĐTĐ biến chứng võng mạc, sẽ phối hợp với Khoa Mắt điều trị bằng tiêm nội nhãn các thuốc điều trị biến chứng võng mạc. Hay phối hợp điều trị oxy cao áp cho người bệnh ĐTĐ biến chứng bàn chân như rối loạn cảm giác, vết loét không liền… Biến chứng tim mạch như tắc động mạch vành được can thiệp tim mạch tại Khoa Tim mạch; biến chứng đột quỵ, tắc mạch não sẽ điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; biến chứng suy thận điều trị tại Khoa Thận - Lọc máu...
Để phòng bệnh ĐTĐ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường huyết qua đó kịp thời phát hiện, điều trị sớm bệnh. Những người có thể trạng béo phì hoặc người thân trong gia đình đã mắc bệnh ĐTĐ thì cần khám sàng lọc bệnh. Người bệnh mắc ĐTĐ cần tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tái khám định kỳ, không tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, mọi người cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh; hạn chế đồ ăn nhanh và nước uống có lượng đường cao; duy trì chế độ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()