4
18
/
792469
Hỗ trợ học nghề: Chính sách có, sao khó triển khai?
longform
Hỗ trợ học nghề: Chính sách có, sao khó triển khai?

 

Theo thông tin chúng tôi có được từ Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 31/12/2017, 9/14 địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 220/2015/NQ-HĐND. Nhiều học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh, học hệ chính quy các nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh đều được hưởng hỗ trợ học phí theo Nghị quyết 220 với mức hỗ trợ trình độ cao đẳng 50% mức lương cơ sở/người/tháng và 40% mức lương cơ sở/người/tháng đối với trình độ trung cấp...

Chính sách hỗ trợ đã rõ ràng là vậy, nhưng vì sao các đối tượng học nghề vẫn không mặn mà? Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã tìm về một số địa phương thì được biết, mặc dù tỉnh đã triển khai nội dung này khá lâu nhưng hầu hết chỉ có một số nơi ở khu vực thành thị như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả đã triển khai thực hiện. Còn ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nơi có nhiều đối tượng khó khăn, có nhu cầu được hỗ trợ cao thì lại chưa nắm và biết đến chính sách này. Theo kết quả khảo sát từ Sở LĐ-TB&XH, từ khi nghị quyết được ban hành đến nay, Bình Liêu là một trong những địa phương trong tỉnh không có một học viên nào có nhu cầu đăng ký học nghề theo Nghị quyết 220.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tới thôn Co Nhan 1, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu. Gặp và tiếp xúc với gia đình em Mễ Thị Kim Xuyến, hiện đang học lớp 11, chúng tôi được biết, gia đình và bản thân em Xuyến  có mong muốn sau khi học hết lớp 12 sẽ đi học nghề nấu ăn. Đây là 1 trong 7 nhóm nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh theo Nghị quyết 220. Em Xuyến, chia sẻ: Gia đình em chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên học phí cho em đi học hết sức khó khăn. Vì vậy, sau khi học hết lớp 12, em sẽ đi học nghề nấu ăn, xong về đi làm thuê hoặc tự mở một quán ăn nhỏ ở ngay xã, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Còn về chính sách hỗ trợ đào tạo các nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh, từ trước đến nay, gia đình em không hề nắm bắt được bất cứ thông tin gì về chính sách này, nếu thực sự được hỗ trợ thì tới đây khi đi học gia đình em sẽ bớt lo hơn..."

Báo-02.jpg
 

Cũng giống như em Mễ Thị Kim Xuyến, em Đào Thị Bích Duyên, lớp 12, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, cũng khẳng định với chúng tôi chưa hề được nghe lãnh đạo xã tuyên truyền gì về vấn đề này nên em và gia đình cũng không hề biết có chính sách hỗ trợ thế nào...

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Xuân Phương, Bí thư kiêm Trưởng thôn Co Nhan 1 cho biết: "Văn bản này chúng tôi chưa nắm được, mà cái này phải hỏi xã, xã có thì thôn mới có được, còn chúng tôi nếu có thì sẽ phổ biến đến cho người dân ngay…". Tiếp tục mang thắc mắc này trao đổi với lãnh đạo xã Tình Húc, chúng tôi được ông Ngô Bảo Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: "100% đội ngũ trưởng thôn, bản trên địa bàn xã hiện giờ đều là những cán bộ mới và do trưởng thôn bản cũ không bàn giao lại các tài liệu liên quan đến Nghị quyết 220 của HĐND tỉnh và Quyết định 344 của UBND tỉnh nên đội ngũ mới này không nắm được. Bác nào chịu khó nghiên cứu thì may ra mới biết. Thời gian vừa qua, xã cũng tập trung vào đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020 nên chưa triển khai phổ biến lại nội dung này được...".

Như vây, có thể thấy để nghị quyết đi vào cuộc sống, để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh thì khâu tuyên truyền hết sức quan trọng. Chính cán bộ cơ sở sẽ là cầu nối đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Vậy ở đây, cán bộ còn chưa biết đến thì liệu người dân trên địa bàn có nắm được chính sách hỗ trợ của tỉnh (?).  Được biết, không chỉ có Bình Liêu, từ khi Nghị quyết 220 của HĐND tỉnh được ban hành đến nay, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái cũng là những địa phương không có bất kỳ một học viên nào đăng ký tham gia học nghề...

Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm từ đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền đưa nghị quyết đến với nhân dân thì việc triển khai Nghị quyết 220 của HĐND tỉnh vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Người học, gia đình và xã hội chưa nhận thức đúng, đủ về học nghề, lập nghiệp, chủ yếu có tâm lý muốn vào đại học hơn học nghề. Sau khi tốt nghiệp PTTH các em chủ yếu lựa chọn thi học đại học, sau khi không đỗ mới chuyển sang học nghề. Mặc khác, cơ chế tuyển sinh đại học quá thông thoáng, chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngày càng tăng, điểm tuyển sinh đại học thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài, dễ liên thông. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động phổ thông nên thu hút số lượng lớn lao động tốt nghiệp PTCS, PTTH chưa qua đào tạo. Người lao động muốn có việc làm có thu nhập ngay theo ngày công nên chưa quan tâm đến việc học nghề.

Không những vậy, Nghị quyết 220 của HĐND tỉnh có điểm trùng so với Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, trong đó quy định người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí. Cùng với đó, các nghề khuyến khích đào tạo chủ yếu tập trung vào nhóm ngành du lịch dịch vụ (Kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú, quản trị khách sạn, quản trị khu Resort); Dịch vụ vận tải thủy sản (Điều khiển tài biển, đánh bắt thủy sản xa bờ); Phòng và chữa bệnh thủy sản. Nhóm nghề du lịch dịch vụ chủ yếu người học tập trung học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn; còn nhóm nghề Dịch vụ vận tải và thủy sản chưa thu hút được học sinh, sinh viên đăng ký tham gia.

Thêm nữa, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề chưa được áp dụng trong thực tiễn. Chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp của thiếu. Nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề một phần vì tính chất công việc của sản xuất, phần vì người lao động qua đào tạo phải trả lương cao…

Chính vì những nguyên nhân trên mà việc triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo các nghề khuyến khích của tỉnh chưa thực sự hiệu quả. Số lượng tham gia học các nghề được khuyến khích đào tạo của tỉnh chưa cao. Tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh mới chỉ có 83 người đăng ký học nghề và được hỗ trợ theo Nghị quyết 220/2015/NQ-HĐND với kinh phí hỗ trợ gần 273 triệu đồng, đạt tỉ lệ rất thấp so với nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ đào tạo nghề hằng năm theo Nghị quyết 220 và Quyết định 344 (khoảng 7 tỷ/năm).

Như vậy, thiết nghĩ, trước hết cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở - lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, cầu nối đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân. Thêm nữa, cần có sự điều chỉnh bổ sung hợp lý để phù hợp nhu cầu của các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Được biết, Sở LĐ-TBXH cũng đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục các nghề khuyến kích đào tạo ngoài 7 nghề khuyến khích đào tạo theo Nghị quyết số 220 của HĐND tỉnh.

Trúc Linh

 

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu