Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:33 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Thứ 7, 12/08/2023 | 12:10:44 [GMT +7] A A
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh cũng đã lồng ghép nhiều nguồn lực nhằm tạo sinh kế, trợ giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Tập trung thu hút nhiều nguồn lực
Nhằm tạo động lực cho phụ nữ triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã đưa việc phát triển xây dựng mô hình mới hoặc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng mô hình hiện có thành một trong những nội dung, tiêu chí chấm điểm thi đua thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm và thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh như: Chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; Đề án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ vùng đô thị do Trung ương Hội LHPN Việt Nam quản lý; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, CLB Doanh nhân nữ cấp tỉnh, huyện... để triển khai 493 loại mô hình kinh tế theo quy mô tổ - nhóm và hộ gia đình với trên 8.717 thành viên tham gia.
Để đảm bảo các mô hình được phát triển bền vững, việc tham mưu, đề xuất và xây dựng mô hình ở các địa phương đã được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển và xây dựng sản phẩm chủ lực nhằm gắn mô hình với các lợi thế về cơ chế chính sách, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường của từng địa phương.
Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thực hiện xây dựng mới và củng cố phát triển 493 loại mô hình kinh tế với 341 điểm/cơ sở thực hiện, trong đó số điểm/cơ sở thực hiện mô hình do trung ương và tỉnh hỗ trợ xây dựng là 46 và 295 điểm/cơ sở thực hiện mô hình là do địa phương tự tìm kiếm nguồn lực xây dựng, cụ thể là: Mô hình trồng trà hoa vàng tại Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ); mô hình trồng nấm tại xã Quảng La (TP Hạ Long); mô hình trồng vải, na, lúa đặc sản tại TX Đông Triều; mô hình nuôi gà bản địa, nuôi vịt biển đẻ trứng tại Tiên Yên; mô hình nuôi lợn thịt tại Móng Cái; mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền An (TX Quảng Yên)...
Các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện và quản lý đã góp phần vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ bằng nhiều hình thức: Giúp ngày công, con giống, cho vay vốn, hỗ trợ công làm nhà cho các hộ nghèo. Duy trì hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua hoạt động các CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi, đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN các địa phương tích cực vận động các hội viên phụ nữ mạnh dạn thực hiện, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế; phối hợp với Hội Nông dân lựa chọn thẩm định giống, tiêm vắc-xin con giống trước khi trao; phối hợp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, theo dõi giám sát quá trình các hộ thực hiện.
Song song với đó, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ trâu, bò giống cho 77 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Đạp Thanh, Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) trị giá 820 triệu đồng; hỗ trợ mô hình nuôi dê sinh sản trị giá 278 triệu đồng cho 30 hộ nghèo và cận nghèo tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu); hỗ trợ 30 hộ gia đình hội viên phụ nữ dân tộc xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng với tổng kinh phí 270 triệu đồng...
Hoạt động xây dựng các mô hình kinh tế của các cấp hội phụ nữ đã được triển khai thống nhất và gắn với phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Các mô hình do các cấp hội triển khai thực hiện và quản lý đã tạo ra việc làm và mang lại thu nhập khá ổn định cho gần 9.000 hộ gia đình hội viên phụ nữ, trong đó 65% là phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều mô hình đã mang lại cho gia đình hội viên phụ nữ thu nhập từ 80-120 triệu đồng/hộ/năm, đặc biệt có những hộ thu nhập từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm.
Thực hiện hoạt động vay vốn ủy thác thông qua Ngân hàng CSXH, 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội đã giải ngân 42 tỷ đồng cho 700 hộ vay, giải ngân 2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cho 153 hộ vay để phát triển kinh tế. Thông qua việc tiếp cận được nguồn vốn vay đã giúp hội viên phụ nữ có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, bằng nguồn kinh phí vận động được từ hội viên phụ nữ, từ các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong tỉnh, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhiều nhà mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo các xã đặc biệt khó khăn. Điển hình trong giai đoạn 2016-2021, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 260 nhà mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo các xã đặc biệt khó khăn với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.
Thời gian tới, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nghề, trang trại, doanh nghiệp nhỏ; xây dựng HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất - kinh doanh; phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ phụ nữ các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP vừa để quảng bá, giữ thương hiệu, vừa nâng giá thành sản phẩm, giúp phụ nữ làm chủ về kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống.
Vân Anh
- Mô hình kinh tế ở xã nông thôn mới kiểu mẫu
- Người dân vùng đảo phát triển kinh tế từ du lịch
- Trụ đỡ bền vững kinh tế Quảng Ninh
- Kinh tế - xã hội khởi sắc ấn tượng trong 6 tháng đầu năm
- Động lực tăng trưởng kinh tế
- Gương nông dân làm kinh tế giỏi
- CCB Quảng Ninh giúp nhau phát triển kinh tế
- Hải Hà: Thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể
Liên kết website
Ý kiến ()