Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:27 (GMT +7)
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023
Thứ 6, 12/08/2022 | 14:41:36 [GMT +7] A A
Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.
Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp; hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung.
Tại Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 645 cơ sở giáo dục; 340.040 trẻ mầm non và học sinh các cấp học; 556/631 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 88,11%); 21.210 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, đội ngũ các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục là 1.385 người. Trong năm học vừa qua, nhờ giữ vững địa bàn an toàn và đặc biệt ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà đa phần học sinh Quảng Ninh được học tập trực tiếp hầu hết thời gian của năm học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng cho phát triển giáo dục và đào tạo. Nhờ vậy, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Hiện nay, Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học.
Bộ GD-ĐT cũng cần nhanh chóng trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 – 2023; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, quản trị giáo dục…
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()