4
18
/
895639
Hòn Gai - Phố nhỏ đi suốt đời không hết
longform
Hòn Gai - Phố nhỏ đi suốt đời không hết

 

Không nhớ tôi đã đọc ở đâu câu cách ngôn này: “Buổi chiều, bạn hãy đi ra khỏi nhà”. Thời trẻ, dường như chẳng chiều nào tôi không ra khỏi nhà. Còn bây giờ, tôi thường ra khỏi nhà bằng cách hồi tưởng về những chuyến đi...

 

Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn tận mắt đôi hồng hạc Siberi cao lớn như người ở Lumbini - nơi Đức Phật đản sinh và không khỏi sững sờ khi nghĩ tới những cặp hạc trong các ngôi đền ở thành phố quê nhà. Chúng đứng đối xứng, bất động trước bệ thờ và xám ngắt bởi khói hương từ trăm năm này qua trăm năm khác. Đơn giản, chúng là những con hạc đồng, sứ giả của một cõi linh thiêng chưa ai nhìn thấy. Còn kia, là đôi hồng hạc bằng xương bằng thịt với những bờm mao đỏ thắm. Chúng nhìn chiếc ống kính của tôi một cách dửng dưng rồi chậm rãi thả bước đi theo lối thiền hành, biến dần vào dải rừng sê - sam mù mịt sương sớm tựa như những thánh nhân của núi tuyết.

Tôi nhớ những ngày ở Kathmandu, tinh mơ nào cũng bắt gặp một thiếu phụ quây khăn tắm ngang ngực, để lộ tấm lưng trần trắng hồng vì giá lạnh. Chị ra suối từ sớm và trở về với chiếc vò đồng đầy nước đặt trước hiên nhà. Thiếu phụ lần lượt rẩy nước lên một phiến đá nhỏ trước thềm và chiếc xà trên của khuôn cửa. Đấy là nghi thức cát tường cho một ngày mới của ngôi nhà. Tôi bỗng nhớ bà mẹ góa bụa của bạn mình ở ngõ Ca - rô làm sao. Bà là công nhân Sở Đống (tiền thân của Công ty Tuyển than Hòn Gai). Căn nhà cấp 4 của bà cửa cũng thấp tè và hẹp. Bà thường đi ca ba và về sớm khi các con còn ngủ. Thay vì đánh thức, bà treo chiếc túi vải đựng suất ăn bồi dưỡng ca đêm có thể là chiếc bánh mỳ kẹp thịt hoặc một khuôn xôi nén lên chiếc đinh đóng sẵn rìa khung cửa, rồi lại tong tả nhập vào đám người lam lũ ngoài bến cá.

Tôi nhớ một ngày thu bên bờ vịnh Phần Lan, mòng biển đậu trắng những nóc nhà. Đó là loài chim ưa sạch sẽ nhưng có vẻ rất lắm điều. Không ném cho ruột bánh mỳ chúng cũng kêu, người ta hôn nhau cũng kêu. Bến Đoan của Hòn Gai xưa mòng biển cũng nhiều như thế.

Đi ngoài vạn dặm, vẫn cứ chạm vào hình bóng những con phố cũ của quê nhà thời thơ ấu.

Ít nhất, gia đình tôi đã ở tới năm nơi trong cái thị xã toàn than và toa goòng. Hòn Gai nhiều tên phố, nhiều địa danh luôn gắn liền với những biến cố thời gian, mưu sinh và đặc điểm của một nền hành chính tạm bợ từ xưa xửa: Lán Bè, Lán Đạo, Bến Tàu, Bến Đoan, Lò Vôi, Lò Bát, Thư Ký, Thương Mại, Loong Toòng, Mắm Tôm, Ca - rô, Bu Du... Kể “liên chi hồ điệp” không hết chuyện.

Tôi ở phố Thương Mại, con phố chỉ khoảng trăm mét, một đầu nối với trục đường chính đối diện một hội quán Hoa Kiều bên kia hè tên gọi Trung Sơn Đường. Đoạn giữa chạy ra phố Cây Tháp. Đầu còn lại ăn với ngõ Ca - rô, con ngõ sau lưng là bãi hỏa xa và trùng điệp các ca - rô (ô vuông) than. Có hai thứ âm thanh tôi nghe không bao giờ biết chán. Đó là tiếng còi của đầu máy hơi nước nửa đêm đưa than ra cảng dội vào vách núi và cứ thế lan xa mãi. Và tiếng rao của những ông chã bán cáy rong trong những trưa hè nắng ong, gà gật. “Cáy mua... Cáy mua...”, khi gần khi xa, người già, trẻ con, chẳng ru cũng ngủ chìm đi như khoai nướng. 

Thương Mại xa xưa có lẽ là một phố buôn bán đông đúc. Nhưng thời của tôi chỉ còn lác đác mấy cửa hiệu sửa đồng hồ, xe đạp, đóng giày, may mặc, tiệm “phi - dê” và một xưởng bánh kẹo. Cư dân chủ yếu là thành phần thợ thuyền, xích lô, ba gác, viên chức làng nhàng. Lạ nhất là mấy ông “cơm đen” cả người ta lẫn người Hoa, mặt mũi vàng khè vì thuốc phiện, quanh năm chẳng ló mặt ra ngoài nhưng vẫn đẻ con đàn và sống nhân nha. Tuy nhiên, điều đó chẳng can hệ gì tới tình bạn giữa chúng tôi và con cái họ. Chúng tôi luôn bao bọc lấy nhau để chống lại quân phố Chợ Cũ. Chúng không giam giữ, đánh đập “tù binh” nhưng có một lối hành hạ quái đản, bất luận lớn bé đều trói tay ra sau lưng, rồi bắt khom người, dùng một sợi chỉ mảnh, một đầu buộc lấy cổ, đầu kia buộc vào “cuống ấm”, sau đó thì phóng thích. “Tù binh” chỉ còn cách lom khom, khóc mếu đi tìm lũ bạn. Bọn giải cứu cố nén cười, có thằng vãi cả trung tiện. Tôi cũng từng nã súng cao su vào quân Chợ Cũ và trong lúc tháo chạy đã rơi đúng vào một đoạn cống đang nạo vét,  bị vẹt hẳn một góc chiếc răng cửa bên phải, vết tích còn đến tận bây giờ. Không rõ hiềm khích giữa hai bên có từ khi nào và tại sao. Khổ nhất là cứ vài ngày tôi lại bị mẹ sai vào Chợ Cũ mua dưa muối của bà “Tài hàng guốc”. Bà là một phụ nữ người Việt lấy chồng Tàu, có nghề làm dưa ngon nổi tiếng của Hòn Gai. Bà cụ rất hiền nhưng lại ở cạnh nhà hai tên đầu mấu “bất cộng đái thiên” với quân Thương Mại. Tôi bé loắt choắt chúng khinh, chỉ nhìn trừng trừng rồi bất đồ dậm chân khiến tôi bỏ chạy văng bát, bay mất cả tiền nhưng lại nói dối mẹ “bà Tài bảo hết dưa rồi”.

Tất nhiên, cũng có lần, chúng tôi mai phục tóm được “tù binh” phía bên kia. Tiếc thay lại là một thằng vừa ngọng vừa dấm dớ nhưng dễ thương. Nó bảo: “Em đi xem phin chứ có đựn bắt các ăn đâu. Các ăn đựn bắt em thì cho em ở đâu”. Một đứa trong bọn tôi quát: “Cho mày ngủ chuồng trâu”. Tên “tù binh” ngố cãi: “Phố làm gì có tâu”. Cả bọn phì cười. Thế là tha bổng. Mặc dù trước đó, tất cả đã bàn phải dùng tông - đơ cùn, dũi một củ đầu vằn da hổ rồi thả về cho quân Chợ Cũ biết mặt. Tha tên ngố xong, chúng tôi thấy vui thế. Bèn rủ nhau ra phố Cây Tháp tự thưởng cho mỗi thằng một bát sủi yìn nóng rẫy.

 

Thương Mại không thênh thang nhưng với chúng tôi, đó quả là một không gian thiên đường. Tất cả những trò chơi dân gian của trẻ con đều diễn ra trong lòng phố. Còn gì sung sướng hơn giữa sấm sét vang rền, chúng tôi trần trụi lao ra giữa mặt đường nhảy bung bung như ếch nhái hứng trọn thác lũ đổ xuống từ trời của cơn mưa hạ đầu tiên sau những ngày dài nung nấu. Ở đây, chúng tôi bày đủ trò. Đá bóng, nhảy ngựa, chọi xèng, rước kiệu. Lâu lâu lại có đứa thuổng được đất đèn của ông bố thợ lò, vậy là cả bọn moi đá lên, khoét lỗ thả cục nhiên liệu xuống rồi xúm vào tè. Khi đất đèn đã sôi sục, khói nghi ngút, chúng tôi chụp xuống chiếc ống bơ đột đáy, nén chặt cát xung quanh, vê một mẩu giấy báo làm ngòi và châm lửa. Sau tích tắc là tiếng nổ váng trời, chiếc ống bơ vọt cao ngang mái nhà tầng hai. Cả bọn khoái trá hò hét ầm ĩ trong khi những người qua đường giật bắn mình, nhớn nhác và tức giận.

Mỗi mùa một thú. Mùa hè đi bơi, câu cá; mùa thu chơi trận giả, môi chuồn chuồn trong bãi than; mùa đông chọi dế và kéo nhau lên bãi cảng cạnh bến phà lật đá tìm những viên đạn súng trường lính Pháp trút xuống khi rút khỏi Vùng Mỏ đem về làm pháo bấm chơi tết. Năm nào chúng tôi cũng càn, mãi không hết.

Còn một kho báu bất tận nữa là cái bãi thải công nghiệp của Nhà máy cơ khí Hòn Gai. Chúng tôi móc lên ở đây vô số thứ có thể bán ra tiền. Đáng giá nhất vẫn là các loại bánh răng đồng mòn mẻ hoặc những thỏi đồng tiện thừa, sau đến đồng vụn và nhôm vụn. Những “chiến lợi phẩm” này lập tức được sang tay đồng nát để biến thành cước câu, bi ve, kẹo mạch nha, truyện tranh Tam quốc, “Thần thoại Hy Lạp”, “Truyện cổ Grim”, “Đảo giấu vàng” hoặc thêm cả vé xem phim cho cả bọn... Nhiều thằng vớ bẫm, nhưng cũng nhiều thằng no đòn vì trốn học bởi cái mỏ quý này.

Tôi cũng từng nếm trận đòn như thế, còn bị xích vào chân giường cả ngày vì tội trốn học theo đám trẻ lớn đi vác cờ đám ma thuê. Thằng bạn cùng lứa con một gia đình ở gian ngoài chốc chốc lại thò vào hỏi “đói không”. Tôi gật. Nó bê tới một chiếc nồi nhôm đen đúa, mở ra toàn thịt gà kho, có vẻ nạc nhưng miếng nào cũng thâm sì. Tôi bốc một miếng đưa lên miệng nhai, dai và gây kinh khủng. Tôi bảo: “Thịt gì ấy chứ”. Nó bảo: “Quạ kho của thày tớ”. Tôi nhè vội, mặc nó cứ luôn mồm “ngon mà, ngon mà”. Hóa ra tuần nào cũng có món quạ kho của thày nó mang về từ “Ba - toa”. Đó là những con quạ liều lĩnh bị ông cho sập bẫy khi dám xông vào giằng giật những cỗ lòng lợn sống. Thày nó trạc tuổi năm mươi, xanh xao như một cái bóng, nhưng là trụ cột của cả gia đình. Ngày nào ông cũng dậy từ ba giờ sáng đi bộ vào lò mổ tận Hà Lầm, tối mịt mới lại trở về nhà. Nó thì thầm vào tai tôi: “Thày tớ mắc chứng thổ huyết nên phải ăn thịt quạ. Đừng nói cho ai nhé”. Bỗng thấy thương bạn quá.

 

Ở con phố này, tôi còn có năm người bạn học vô cùng thân thiết. Toàn những đứa nhà nghèo. Tôi hay ngủ lang ở nhà Hiệp nhất, để xem nó chép tranh và kể chuyện kiếm hiệp. Sáng ra hai thằng lại chia nhau suất bánh mì ca ba mẹ nó treo ngoài cửa từ khi nào. Hiệp mê hội họa và mơ trở thành họa sĩ. Mỗi tôi chỉ ước thế giới này có chỗ nào thi ăn, kiểu gì tôi cũng sẽ thắng. Thật ra tôi chưa biết mơ gì.

Nhưng chiến tranh đã ập đến xáo tung tất cả. Hôm ấy là một ngày đầu thu trong veo, chuồn chuồn bay đầy trong phố. Hôm sau, đã thấy những nòng pháo ngụy trang vươn cao trên những đỉnh đồi thị xã...

Lan Hương, cô bạn đồng nghiệp trẻ bảo: “Chú nên viết một cái gì về Hòn Gai đi chứ”. Một gợi ý thật hay nhưng cũng thật khó vô cùng. Hòn Gai có bao nhiêu con phố, mỗi phố như một dòng sông cuộc đời. Chỉ một con phố nhỏ như Thương Mại mà tôi đã kể hết đâu.

Bài: Ngô Mai Phong

Ảnh: Tư liệu

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu